Multimedia Đọc Báo in

Những người “gác cổng” sinh tồn cho người bệnh

08:10, 04/11/2024

Trong các cuộc phẫu thuật, cùng với bác sĩ phẫu thuật, ít ai biết được rằng, đội ngũ y bác sĩ gây mê hồi sức đóng vai trò vô cùng quan trọng. Họ chính là người “gác cổng”, âm thầm quan sát, theo dõi từng biến động về dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, chịu trách nhiệm đầu tiên về an toàn tính mạng của người bệnh.

Thầm lặng “đi trước về sau”

“Đi trước về sau” chính là trọng trách mà đội ngũ gây mê hồi sức thực hiện trong mọi cuộc phẫu thuật. Họ luôn là những người đến phòng mổ sớm nhất để làm các công tác chuẩn bị sẵn sàng cho ca mổ, liên tục túc trực bên bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật và theo dõi hồi sức sau phẫu thuật. Đặc biệt, bác sĩ gây mê hồi sức là người đồng hành với người bệnh từ đầu đến cuối, nhất là những trường hợp “thập tử nhất sinh” với nhiệm vụ bảo đảm an toàn và duy trì sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ CK 1 Đặng Thế Thành (Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột) chia sẻ, Khoa Gây mê hồi sức có nhiệm vụ chính giúp người bệnh được an toàn, không đau trong khi tiến hành các loại phẫu thuật, thủ thuật có xâm lấn, vượt qua ca mổ cũng như hồi tỉnh sau ca mổ một cách nhẹ nhàng, thoải mái, ít đau nhất. Trước mỗi cuộc phẫu thuật, bác sĩ gây mê sẽ thăm khám, đánh giá toàn diện sức khỏe của người bệnh, các bệnh lý kèm theo, cũng như tính chất của cuộc phẫu thuật, từ đó đánh giá các nguy cơ, đưa ra kế hoạch gây mê, hồi sức, giảm đau sau mổ phù hợp.

Các bác sĩ Khoa Gây mê hồi sức tiến hành gây tê cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.

Khi tiến hành phẫu thuật, trong từng thao tác của bác sĩ phẫu thuật, êkíp gây mê theo dõi sát các chỉ số của bệnh nhân và thực hiện các thao tác hỗ trợ, bảo đảm phối hợp nhịp nhàng với êkíp phẫu thuật. Song song đó, đội ngũ nhân viên của khoa luôn thực hiện nghiêm ngặt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong khu vực phẫu thuật. Khi phẫu thuật kết thúc, các bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức lại tham gia vào "cuộc chiến" hồi sức sau mổ, xử lý những ảnh hưởng, tác động của quá trình gây mê và phẫu thuật đến người bệnh, đưa họ trở lại trạng thái tỉnh táo, an toàn, ổn định về mọi mặt, sau đó mới chuyển về phòng điều trị.

Ở Khoa Gây mê hồi sức, các nhân viên hầu như làm việc không ngừng, không có giờ nghỉ cố định. Trong khi đó, áp lực của bác sĩ gây mê hồi sức trong phòng mổ là rất lớn, đặc biệt với những ca bệnh nặng, phức tạp, bệnh nhân có bệnh lý nền nguy hiểm, hay những trường hợp cấp cứu, khẩn cấp. Nếu không may có sự cố xảy ra, tùy mức độ đều khiến các bác sĩ buồn lo, bất an, bị strees … Bác sĩ CK 1 Dương Xuân Thắng (Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột) bộc bạch: "Dù là công việc thầm lặng, ít ai biết đến nhưng tôi và các bác sĩ, điều dưỡng của khoa luôn tận tâm, nỗ lực hết mình, đặt sức khỏe và sự an toàn của người bệnh lên hàng đầu trong các cuộc phẫu thuật. Niềm vui của chúng tôi chỉ đơn giản là người bệnh được cứu sống, an toàn và khỏi bệnh để sớm trở về cuộc sống bình thường".

Nỗ lực vì sự an toàn của người bệnh

Tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, Khoa Gây mê hồi sức là một trong những chuyên khoa mũi nhọn, được đầu tư nhân lực chất lượng cao và trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu gây mê, hồi sức, giảm đau cho các loại phẫu thuật, thủ thuật; điều trị đau cấp tính trước, trong và sau phẫu thuật; giảm đau sản khoa trong và sau sinh thường cũng như sinh mổ; an thần và gây mê trong các thủ thuật xâm lấn gây đau đớn ở đơn vị nội soi, răng hàm mặt, da liễu, thẩm mỹ, IVF; hồi sức ngoại khoa sau phẫu thuật cho người bệnh. Toàn khoa hiện có 40 bác sĩ, điều dưỡng. Trung bình mỗi ngày, đội ngũ nhân viên của khoa cùng tham gia vào quá trình thực hiện từ 30-40 ca mổ.

Bác sĩ CK 1 Đặng Thế Thành cho biết, bệnh viện đang áp dụng các kỹ thuật gây mê, gây tê vùng giảm đau tiên tiến nhất hiện nay theo đúng khuyến cáo, hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế cũng như các hiệp hội chuyên ngành trên thế giới. Đối với các phương pháp giảm đau sau mổ, các bác sĩ luôn áp dụng phương pháp giảm đau đa mô thức cho người bệnh, đặc biệt là những phẫu thuật gây đau nhiều, kéo dài. Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp giảm đau đặc biệt cho từng loại phẫu thuật theo quy trình cụ thể, áp dụng các hướng dẫn về giảm đau của Tổ chức nghiên cứu đau quốc tế IASP, Hiệp hội giảm đau Hoa Kỳ APS, cá nhân hoá điều trị, ứng dụng các phương pháp gây tê vùng dưới hướng dẫn siêu âm và máy kích thích thần kinh cơ để giúp người bệnh ít đau nhất có thể, tránh được các biến chứng sau mổ do đau đớn gây nên.

Đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột.

Nhờ áp dụng các kỹ thuật hiện đại, sự phản ứng kịp thời và phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ trong êkíp phẫu thuật, gây mê hồi sức và các chuyên khoa, nhiều ca bệnh khó, tiên lượng xấu nhưng đã vượt qua “cửa tử”.

Như trường hợp bệnh nhân N.V.S. (60 tuổi, huyện Buôn Đôn) nhập viện trong tình trạng hôn mê do xuất huyết não bán cầu phải với tiền sử tăng huyết áp, nghiện rượu, rối loạn đông máu và giảm tiểu cầu. Các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật, cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.

Trong đó, các bác sĩ gây mê kiểm soát không để xảy ra biến cố, áp dụng phương pháp giảm đau đa mô thức, kỹ thuật gây tê vùng giúp bệnh nhân đau ít, hồi phục sớm sau mổ. Sau khi xuất viện được 10 ngày, bệnh nhân bị xuất huyết não lần hai, với năng lực và kinh nghiệm chuyên môn của các bác sĩ phẫu thuật, cũng như công tác hồi sức tích cực sau mổ, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công, giúp bệnh nhân hồi phục rất khả quan, không có biến chứng sau mổ và xuất viện trong niềm hạnh phúc.

Thời gian qua, với phương châm “lấy người bệnh làm trung tâm”, đội ngũ Khoa Gây mê hồi sức của Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột luôn chú trọng trong phong cách, kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh, áp dụng mô hình AIDET - mô hình giao tiếp chuẩn trong ngành y. Đặc biệt, bác sĩ khuyến khích bệnh nhân nên đặt câu hỏi để hiểu rõ hơn về kế hoạch phẫu thuật, phác đồ điều trị, giảm đau, phục hồi sớm sau mổ cũng như các nguy cơ, biến chứng có thể có của mình, qua đó mong muốn người bệnh, người nhà cùng tham gia vào quá trình điều trị để đạt hiệu quả cao nhất.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.