Tiến tới loại trừ bệnh sốt rét: Tăng tốc để về đích
Để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng, ngành y tế đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tăng tốc để về đích.
Tỷ lệ sốt rét giảm
Bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, trong những năm qua, công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tình hình sốt rét có chiều hướng giảm dần theo từng năm.
Cụ thể, năm 2021 toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp sốt rét, đến năm 2023 còn 8 trường hợp và 9 tháng năm 2024 chỉ còn 3 trường hợp. Đối tượng mắc sốt rét chủ yếu trong nhóm dân di biến động chưa có biện pháp bảo vệ thích hợp, tập trung ở các huyện Ea Kar và M’Drắk. Đến nay, Đắk Lắk đã có 5 địa phương gồm các huyện Cư Kuin, Krông Pắc, Krông Ana, TP. Buôn Ma Thuột và thị xã Buôn Hồ được công nhận loại trừ bệnh sốt rét.
Diễu hành tuyên truyền diệt lăng quăng (bọ gậy), ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết, sốt rét tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Tại TP. Buôn Ma Thuột - đơn vị đầu tiên của tỉnh được công nhận loại trừ sốt rét vào cuối năm 2022, tất cả xã, phường 3 năm liên tục không có ký sinh trùng sốt rét nội địa, các điều kiện bảo đảm để loại trừ bệnh sốt rét được duy trì thường xuyên. Đối với các trường hợp bệnh sốt rét ngoại lai đều được báo cáo trong vòng 48 giờ từ khi phát hiện và 100% trường hợp được điều trị đúng phác đồ, tiến hành điều tra dịch tễ trong vòng 3 ngày từ khi phát hiện bệnh.
Theo bác sĩ Võ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, được công nhận đạt loại trừ sốt rét chỉ là thành công bước đầu, điều quan trọng nhất là phải giữ thành quả lâu bền để ngăn ngừa sốt rét không quay trở lại, nhất là trong thời điểm dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng cao. Để thực hiện mục tiêu đó, điều kiện tiên quyết là ý thức người dân trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân và sức khỏe cộng đồng, nhất là người dân hay đi rừng ngủ rẫy, hoặc người đi làm ăn xa trở về địa phương.
Tại huyện Ea Kar - địa phương ghi nhận trường hợp mắc sốt rét trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh vẫn đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tại hai xã có nguy cơ cao là Ea Sar và Ea Sô, ngành y tế đã cấp phát màn đôi, võng tẩm hóa chất diệt muỗi cho người dân, đồng thời, lấy máu xét nghiệm cho các trường hợp nghi ngờ sốt rét, theo dõi, giám sát chặt tình hình dịch bệnh. Cùng với đó, khai thác yếu tố dịch tễ sốt rét khi thu dung bệnh nhân điều trị các trường hợp sốt để nhằm phát hiện sớm, điều trị đúng, ngăn ngừa bệnh lây lan thành dịch.
Thêm trợ lực để thực hiện
Theo thống kê từ Bộ Y tế, tỷ lệ mắc sốt rét năm 2023 tại Việt Nam chỉ còn 0,019 người/1.000 dân; tỷ lệ tử vong chỉ còn 0,02 người/100.000 dân. Việt Nam đã có 584 huyện của 46 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ sốt rét, nghĩa là không còn lây truyền sốt rét tại chỗ; hiện chỉ còn 17 tỉnh còn bệnh sốt rét lưu hành và phấn đấu để loại trừ sốt rét trong những năm tới. Việt Nam cũng được Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Toàn cầu và các tổ chức quốc tế khác đánh giá cao hiệu quả công tác phòng, chống và loại trừ sốt rét và tin tưởng sẽ là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được công nhận loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi gây bệnh tại khu vực người dân sinh sống. |
Tại Đắk Lắk, triển khai dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” giai đoạn 2024 – 2026 do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét tài trợ, trong năm 2024, dự án tiếp tục tập trung cho những vùng sốt rét lưu hành nặng, sốt rét kháng thuốc và các đối tượng nguy cơ cao; củng cố các yếu tố bền vững, ngăn chặn sốt rét quay trở lại, tiến tới loại trừ bệnh sốt rét. Trong đó, các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể được đưa ra là: tỷ lệ mắc sốt rét dưới 0,09/1.000 dân; tỷ lệ tử vong do sốt rét 0,0/100.000 dân; không để dịch sốt rét lớn xảy ra; có 5 huyện được công nhận loại trừ sốt rét bao gồm: Krông Bông, Cư M’gar, Krông Búk, M’Drắk và Lắk.
Theo bác sĩ CKII Hoàng Hải Phúc, mặc dù tình hình sốt rét trên địa bàn tỉnh đã giảm nhưng vẫn có nhiều nguyên nhân khiến bệnh có những diễn biến phức tạp và có thể gia tăng bất cứ lúc nào. Do đó, để tiến tới loại trừ hoàn toàn bệnh sốt rét, giai đoạn 2024 – 2026, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục được hỗ trợ kinh phí của dự án “Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin” giúp người bệnh sốt rét và người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời; tăng cường phát hiện và quản lý dân di biến động tại các vùng sốt rét lưu hành; giám sát dịch tễ chặt chẽ...
Minh Khang
Ý kiến bạn đọc