Chủ động phòng tránh gãy liên mấu chuyển xương đùi
Gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gãy từ mấu chuyển nhỏ đến mấu chuyển lớn vùng đầu trên của thân xương đùi.
Tình trạng này hay gặp ở người lớn tuổi khi xương không chắc khỏe, hoặc người trẻ tuổi té ngã do tai nạn. Gãy liên mấu chuyển xương đùi có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm.
Bệnh nhân N.A.S. (17 tuổi, ở thị trấn Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) bị tai nạn giao thông và nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đau, nhức nhiều vùng háng, không thể đứng dậy được. Sau khi tiếp nhận ca bệnh, cho làm các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình chẩn đoán bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi cần phải phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, S. không còn đau, sức khỏe ổn định.
Trường hợp khác là bệnh nhân B.T.T. (96 tuổi, ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) cũng bị gãy liên mấu chuyển xương đùi do té ngã đập mông xuống nền nhà. Theo người nhà, sau khi té ngã, bà T. mất vận động, đau nhiều vùng háng trái. Trước đây bà T. từng bị gãy liên mấu chuyển xương đùi bên phải và được phẫu thuật tại Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên).
Bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) phẫu thuật cho bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi. Ảnh: Bảo Trọng |
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Trực, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, gãy liên mấu chuyển xương đùi là gãy xương ngoài bao khớp. Nguyên nhân phổ biến nhất là do ngã hoặc chấn thương, trong đó nhiều trường hợp xuất phát từ tai nạn giao thông, tai nạn trong sinh hoạt, tai nạn lao động, hoặc va chạm trong thể thao. Gãy liên mấu chuyển xương đùi chiếm tỷ lệ khá cao trong gãy xương đầu trên xương đùi. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi nhưng hay gặp nhất là người trên 60 tuổi, phụ nữ bị nhiều hơn nam giới do phụ nữ sau tuổi mãn kinh tỷ lệ loãng xương cao, hệ thống xương khớp bị thoái hóa dần, xương giòn do thiếu canxi, chỉ cần một lực tác động nhẹ, té hoặc đập mông xuống đất là xảy ra tổn thương gãy liên mấu chuyển xương đùi.
Trong gãy xương, y khoa có phân nhiều độ khác nhau, gãy độ 1 có những loại gãy nứt, gãy xương không di lệch thì bệnh nhân cảm thấy đau rất ít nên thường không để ý, vẫn vận động, sinh hoạt bình thường, thậm chí chống chân đi và càng ngày nơi gãy sẽ càng bung ra. Cũng có những bệnh nhân ở nhà tự đắp thuốc lá cây, sau đó một thời gian không đi được bệnh nhân nằm một chỗ dẫn đến loét vùng tì đè, ứ trệ ở phổi, gây viêm phổi, teo cơ, suy thận, suy gan…
Bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Bảo Trọng |
Bác sĩ khuyến cáo, gãy liên mấu chuyển xương đùi, đặc biệt ở người lớn tuổi là chấn thương nặng, gây hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vì vậy, người lớn tuổi cần để ý khi đi lại, những chỗ hay trơn trượt cần lau chùi sạch sẽ, xếp gọn đồ đạc để không bị vướng víu; nên giữ tinh thần thoải mái; cần có chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng, tập thể dục hợp lý để tránh nguy cơ loãng xương và gây gãy xương, kiểm tra độ loãng xương định kỳ để kịp thời cung cấp dinh dưỡng, bổ sung canxi, chất khoáng, vitamin D cần thiết. Khi bị té ngã hoặc có tai nạn thương tích xảy ra, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Ngọc Lan - Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc