Trạm y tế... vắng bóng người sinh
Trạm y tế đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân tại địa phương, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản, tuy nhiên những năm gần đây hầu hết các sản phụ không còn chọn sinh con ở trạm y tế.
Nhà cách Trạm Y tế (TYT) xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) chỉ hơn 2 km nhưng cả hai lần sinh nở chị N.H.M. (32 tuổi, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) đều lựa chọn Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để đón con chào đời.
Theo quan điểm của chị M., mỗi gia đình hiện chỉ có từ 1 - 2 con nên không ngại đầu tư để người mẹ sinh nở an toàn và con được chăm sóc tốt nhất từ khi lọt lòng. Đặc biệt, để đề phòng quá trình sinh nở có tai biến bất ngờ, sản phụ cần phải được cấp cứu kịp thời, tại bệnh viện tuyến trên sẽ có đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa kỹ thuật cao, cơ sở vật chất cũng được bảo đảm.
"Suốt quá trình mang thai tôi vẫn đi khám và theo dõi thai định kỳ ở TYT xã, nhưng khi sinh con tôi chọn bệnh viện tuyến trên để bảo đảm mẹ tròn, con vuông” – chị M. tâm tình.
Nhân viên y tế Trạm y tế xã Quảng Hiệp tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân. |
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Trưởng TYT xã Quảng Hiệp cho biết, trạm hiện có 8 cán bộ, y bác sĩ, trong đó có 1 bác sĩ. Mặc dù cơ sở vật chất khá rộng rãi và khang trang cùng các trang thiết bị đầy đủ nhưng phòng sinh của TYT xã Quảng Hiệp thời gian qua luôn trong cảnh đìu hiu, vắng bóng sản phụ đến sinh con. Các sản phụ chuyển lên tuyến trên để sinh với bảo hiểm y tế thông tuyến, yêu cầu về dịch vụ sản khoa cao hơn. Mặt khác, những năm gần đây, mỗi gia đình chỉ sinh 1 - 2 con nên nhu cầu bảo đảm sức khỏe sinh sản cho mẹ và con ngày càng được quan tâm, đời sống vật chất của người dân cũng ngày càng được nâng cao, do đó họ thường chọn những dịch vụ tốt nhất để chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh.
Huyện Cư M'gar hiện có 17 xã, thị trấn có TYT, trong đó 100% TYT có bác sĩ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các TYT từng bước được đầu tư khang trang, kiên cố, hiện đại. Các TYT đều có phòng sinh hoàn toàn đáp ứng tốt nhiệm vụ đỡ đẻ một ca sinh thường theo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên những năm qua số người đến sinh ở các TYT tuyến xã trên địa bàn huyện ngày càng ít đi, thậm chí có TYT nhiều năm liền không có sản phụ nào đến sinh, hoặc số ca đến sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bác sĩ Nguyễn Duy Lợi, Trưởng Khoa Dân số, truyền thông, giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Cư M'gar) cho hay, trong tổng số 1.713 trẻ được sinh ra trên địa bàn huyện trong năm 2023 thì chỉ có 2 trẻ được sinh ra tại TYT tuyến xã. Điều này dẫn đến tình trạng tuyến trên thì quá tải, còn tuyến dưới vắng bóng sản phụ đến sinh. Trong khi đó 100% các TYT tuyến xã đều phải duy trì phòng hộ sinh với đầy đủ trang thiết bị và cả nguồn nhân lực. “Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do nhiều gia đình có điều kiện kinh tế thường có xu hướng lựa chọn bệnh viện tuyến trên, hoặc các phòng khám tư với các khoản chi phí khá cao để sinh nở. Với tâm lý sinh con lần đầu hay các lần sau cũng vậy, các gia đình luôn kỳ vọng “mẹ tròn con vuông”, được chăm sóc chu đáo, thoải mái nên thường chấp nhận tốn kém để sản phụ và trẻ sơ sinh được cung cấp các điều kiện, dịch vụ sản khoa tốt nhất”, bác sĩ Lợi cho biết.
Người dân đến khám bệnh và tư vấn sức khỏe sinh sản tại trạm y tế. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng Khoa Sức khỏe sinh sản (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh), những năm qua, với chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu, TYT đóng góp vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sản phụ ít đến các TYT xã, phường, thị trấn để sinh đẻ mà thường chọn bệnh viện tuyến trên đã trở thành thực trạng chung của toàn tỉnh cũng như ở nhiều địa phương trên cả nước. Thực trạng này dẫn đến việc lãng phí nguồn lực và chi phí không cần thiết, trong khi các bệnh viện tuyến trên lại phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Hiện nay, nhân lực và cơ sở vật chất của các TYT trên địa bàn tỉnh đều tương đối đáp ứng đầy đủ các nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Song, để phát huy tối đa khả năng và điều kiện của các TYT trong lĩnh vực này cần đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe cho bà mẹ, đặc biệt là phụ nữ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thay đổi nhận thức của người dân về chất lượng dịch vụ tại các TYT. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng đội ngũ y bác sĩ, đào tạo chuyên sâu và đầu tư cơ sở vật chất. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tối đa tai biến sản khoa tại cơ sở y tế, tạo dựng niềm tin cho người dân khi lựa chọn sinh con tại TYT. Bảo đảm chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các TYT không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng mà còn góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, mang lại lợi ích thiết thực cho cả người dân và hệ thống y tế.
Nguyên Hà
Ý kiến bạn đọc