Dự phòng nguy cơ sinh non
Một thai kỳ bình thường sẽ diễn ra 40 tuần. Vì vậy, sinh non (đẻ non) là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 23 tuần đến trước 37 tuần.
Tại Việt Nam, trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non chiếm khoảng 7-10%, mỗi năm có khoảng 100.000 - 110.000 trẻ sinh non.
Tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thiện Hạnh, trung bình mỗi ngày có khoảng 30 - 40 trẻ sinh ra, trong đó có khoảng 3 - 4 trẻ sinh non, chiếm tỷ lệ 10%. Những trẻ này đều được điều trị, chăm sóc tại Phòng chăm sóc tích cực cho trẻ sơ sinh (NICU) của Khoa Nhi. Có những trẻ mới được 25, 26 tuần tuổi đã chào đời và phải nằm trong lồng kính, khắp cơ thể là các loại máy móc hỗ trợ để bảo đảm sự sống cho các bé. Bác sĩ Trần Thị Mỹ Giêng, Trưởng Khoa Nhi (BVĐK Thiện Hạnh) cho biết, tỷ lệ trẻ sinh non ngày càng tăng, đặc biệt có trường hợp sinh cực non khi trẻ mới được 24 tuần thai. Những trẻ này thường bị suy hô hấp ngay từ giai đoạn sớm sau sinh, nhiễm trùng huyết nặng.
![]() |
Trẻ sinh non được điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh. Ảnh: Quang Nhật |
Trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, bởi vì các cơ quan trong cơ thể bé đều đang trong quá trình hình thành, chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ hô hấp. |
Theo các bác sĩ chuyên khoa, ngoài những nguyên nhân rõ rệt gây sinh non như: thai phụ mắc các bệnh lý mạn tính, nhiễm trùng, bất thường cấu trúc tử cung, cổ tử cung, mang đa thai, làm việc nặng nhọc… thì có đến gần một nửa những trường hợp sinh non không rõ lý do.
Bác sĩ Trần Thị Mỹ Giêng cho hay, việc cứu sống trẻ sinh non đã là một thành công lớn nhưng việc nuôi sống, chăm sóc để bé có thể phát triển bình thường cũng vô cùng khó khăn. Trẻ sinh non phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ về sức khỏe, bởi vì các cơ quan trong cơ thể bé đều đang trong quá trình hình thành, chưa hoàn thiện, đặc biệt là hệ hô hấp. Tất cả trẻ sinh non, phổi đều rất yếu, trẻ không tự thở được nên nguy cơ suy hô hấp sau sinh rất hay gặp.
Bên cạnh đó, các bé sinh non rất dễ bị hạ thân nhiệt và đây là một trong những yếu tố tiên lượng tử vong. Ngoài ra còn các vấn đề khác như hệ tim mạch, dinh dưỡng, miễn dịch. “Những thai phụ có nguy cơ sinh non cần đến khám, theo dõi tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản, nhi, có đủ khả năng cấp cứu, chăm sóc trẻ sinh non. Bởi vì trong vòng 60 phút đầu tiên khi sinh bé mà can thiệp không tốt thì tỷ lệ tử vong lên đến trên 50% và trẻ càng non tháng thì tỷ lệ tử vong càng cao”, bác sĩ Giêng lưu ý.
Mặc dù y tế hiện đại đã có nhiều thành tựu trong việc cứu sống trẻ sinh non song tỷ lệ sinh non ngày càng tăng đặt ra gánh nặng và thách thức cho cả ngành y tế và gia đình của trẻ.
Để cứu sống, nuôi dưỡng thành công một đứa trẻ sinh cực non tốn rất nhiều chi phí, có thể lên đến trên 100 triệu đồng sau khi đã trừ phần được bảo hiểm y tế chi trả, ngoài ra còn công sức, tâm lý chăm sóc, trong khi tỷ lệ sống sót của trẻ sinh cực non rất thấp.
Do đó, để dự phòng nguy cơ sinh non, bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo các thai phụ nên thực hiện các biện pháp dự phòng sau: có kế hoạch mang thai trong độ tuổi phù hợp, từ 20 - 35 tuổi bởi tuổi càng cao thì biến chứng thai kỳ càng tăng lên; có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng nhọc và ở lâu trong môi trường độc hại; khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện, tiên lượng sớm thai kỳ có nguy cơ cao, tái khám theo đúng phác đồ bác sĩ đưa ra.
Trong quá trình mang thai nếu thai phụ có những biểu hiện bất thường như: đau bụng, đau lưng, đau đầu, chóng mặt, tăng huyết áp, nôn ói nhiều, những dấu hiệu của tiền sản giật; ra dịch âm đạo bất thường, dịch nâu, dịch đỏ hoặc vỡ ối; thai nhi đạp bất thường, đạp nhiều hơn hoặc ít hơn thường ngày… thì phải đến cơ sở y tế có đủ chuyên môn về sản, nhi trên địa bàn ngay lập tức mà không nên trì hoãn. Bởi vì trong phút giây trì hoãn đó có thể gây ra hậu quả xấu cho cả mẹ và bé.
Ngọc Lan – Thu Huế
Ý kiến bạn đọc