Phát hiện sớm để điều trị hiệu quả bệnh lao
Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh rất nguy hiểm do vi khuẩn lao thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài và lây lan trong cộng đồng.
Việc phát hiện sớm bệnh lao không chỉ giúp giảm nguồn lây nhiễm trong cộng đồng mà còn giúp tăng tỷ lệ điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên, nhiều người bệnh vẫn còn chủ quan với căn bệnh này…
Ông L.V.Đ. (67 tuổi, ở xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) bị ho nhiều, cứ nghĩ mắc bệnh cảm cúm thông thường nên ông tự mua thuốc ho về uống. Tình trạng ho có giảm nhưng sau đó lại tái phát và ho có đờm nhiều hơn kèm tức ngực, khó thở. Ông đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên khám thì được chẩn đoán mắc lao phổi.
Cũng như ông Đ., chị H.M.B. (27 tuổi, ở huyện Krông Bông) từng có thời gian dài tự ý mua thuốc về uống khi có biểu hiện ho có đờm, khó thở, tức ngực. Chị đến phòng khám tư nhân để khám thì được chẩn đoán bị viêm phế quản, điều trị một thời gian dài nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Gần đây, khi bị sút cân trầm trọng, cơ thể suy nhược, sốt cao liên tục, không đi lại được, chị H.M.B. được gia đình đưa đến Bệnh viện Phổi Đắk Lắk để khám, làm các xét nghiệm cần thiết thì mới biết là bị lao phổi.
![]() |
Bệnh nhân mắc bệnh lao phổi điều trị tại Bệnh viện Phổi Đắk Lắk. Ảnh: Bảo Trọng |
Hiện Khoa Lao phổi dương tính, lao kháng thuốc, lao HIV (Bệnh viện Phổi Đắk Lắk) đang điều trị cho 18 bệnh nhân lao nặng, lao kháng thuốc. Những trường hợp này đa phần đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển nặng và có dấu hiệu suy kiệt sức khỏe, như: khó thở, ho liên tục, nhiều đờm, tức ngực, gầy sút cân, sốt cao liên tục, không ăn uống được hoặc ăn uống không ngon miệng, phải điều trị trong một thời gian dài. Nguyên nhân khiến nhiều bệnh nhân mắc lao đến bệnh viện muộn là vì bệnh lao có những dấu hiệu, triệu chứng tương tự như các bệnh về đường hô hấp, như: viêm phế quản, viêm phổi… nên nhiều người lầm tưởng là bệnh cảm cúm thông thường; từ đó chủ quan không đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám. Đến khi đi khám thì bệnh đã diễn tiến nặng.
Bác sĩ CKI Nông Thị Điểm, Trưởng Khoa Lao phổi dương tính, lao kháng thuốc, lao HIV (Bệnh viện Phổi Đắk Lắk) cho biết: Lao là một bệnh truyền nhiễm, lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp từ người bệnh lao phổi có vi khuẩn lao trong đờm sang người lành khi tiếp xúc trực tiếp. Bất kỳ lứa tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bệnh lao. Tuy nhiên, nếu biết cách phòng ngừa, phát hiện sớm hoặc tuân thủ điều trị bệnh lao đúng bệnh, đúng thuốc thì bệnh được chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, việc phát hiện và điều trị muộn, điều trị không đúng thuốc, không tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ bị lao kháng thuốc, mắc thể lao nặng hơn, khó chữa hơn, tỷ lệ điều trị thành công thấp hoặc có thể gây ra những biến chứng như: tràn dịch, tràn khí màng phổi, xơ phổi, suy hô hấp, ho ra máu, nhiễm trùng, nhiễm khuẩn huyết, chuyển thành lao ác tính… và có thể tử vong.
Các trường hợp dễ bị bệnh lao nhất là người bị HIV, người bị suy giảm miễn dịch, bị suy dinh dưỡng, người mắc các bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp, phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh thận, người bệnh điều trị ung thư…), người thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây (nhân viên y tế)… Bệnh lao có nhiều thể khác nhau nhưng thường gặp nhất là lao phổi, còn lại là lao ngoài phổi như: lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp… Bệnh lao thường dễ lây nhiễm, nhất là đối với những người có thể trạng yếu, sức đề kháng kém.
“Khi có biểu hiện ho, ho kéo dài trên hai đến ba tuần, ho ra máu, đau tức ngực, khó thở, sốt về chiều, ra mồ hôi đêm, chán ăn, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân…, cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa lao để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời để phòng bệnh lao lây nhiễm ra cộng đồng, người mắc bệnh lao nên đeo khẩu trang hoặc có khăn che miệng khi ho, hắt hơi, khạc đờm, tiếp xúc nói chuyện với người khác; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; cần phơi chăn, chiếu, mền, nệm hoặc các vật dụng liên quan ra ngoài trời nắng mỗi ngày. Những người chưa mắc bệnh lao, đặc biệt là trẻ nhỏ nên tiêm vắc xin phòng bệnh BCG. Những người bị tiểu đường, suy dinh dưỡng, người có HIV/AIDS, người hút thuốc lá, người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây… rất dễ mắc bệnh lao, do đó, phải thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện, điều trị kịp thời”, bác sĩ Điểm khuyến cáo.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc