Multimedia Đọc Báo in

Ứng phó linh hoạt để chung sống an toàn với dịch COVID-19

08:34, 05/10/2021

Với chiến lược “phòng dịch từ xa”, luôn đi trước một bước và nâng cao hơn một mức, siết chặt kiểm soát từ bên ngoài, không buông lỏng quản lý bên trong theo nguyên tắc “4 tại chỗ” đã giúp huyện Ea Kar từng bước kiểm soát và chung sống an toàn với dịch COVID-19.

Chủ động ứng phó với nguy cơ

Huyện Ea Kar là cửa ngõ phía Đông của tỉnh trên tuyến Quốc lộ 26, có nhiều người đi học tập, lao động ở các tỉnh thành phía Nam (khoảng trên 12.000 người) nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh khá lớn.

Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 huyện Ea Kar Nguyễn Văn Hà cho biết: Để chuyển trạng thái và chung sống an toàn với dịch, huyện đã nhận định rõ các nguy cơ gồm: từ những người ở các tỉnh có dịch về địa phương, hoạt động thương mại – dịch vụ, giao thương hàng hóa, các khu vực công cộng, tập trung đông người, các địa bàn giáp ranh... nhằm chủ động triển khai các giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế.

Chốt kiểm soát dịch được thôn Tân Lộc (xã Cư Huê, huyện Ea Kar) thiết lập tại khu vực giáp ranh với địa bàn có dịch nhằm bảo vệ vùng xanh của xã

Ban Chỉ đạo huyện đã chỉ đạo khảo sát, nắm chắc số lượng người của địa phương đang ở các tỉnh phía Nam có nhu cầu trở về địa phương khi TP. Hồ Chí Minh chuyển sang trạng thái mới sau ngày 30-9, giao cho từng thôn, buôn, xã hình thành các “pháo đài” chống dịch.

Nhằm chủ động cách ly nguồn lây, các xã, thị trấn đã rà soát, thành lập 32 khu cách ly tại hội trường thôn, buôn, tổ dân phố và các khu nhà xưởng, cách ly tập trung toàn bộ người từ vùng dịch về địa phương. Huyện cũng trưng dụng trụ sở làm việc cũ của Công an huyện làm khu cách ly tập trung của huyện để quản lý, theo dõi dịch tễ và xét nghiệm theo quy định tất cả các trường hợp tiếp xúc với F0.

Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện triển khai thống kê các cửa hàng thương mại - dịch vụ, các lái xe để tổ chức tuyên truyền quy trình cách ly, phòng, chống dịch, bảo đảm khâu luân chuyển hàng hóa không bị “đứt gãy” và hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đồng thời, huyện triển khai test nhanh chủ động đối với các lái xe, người tại khu vực chợ, bộ phận một cửa, điểm giao dịch của ngân hàng, bán hàng ăn uống, các trường học. Bên cạnh đó, tiến hành phân loại đối tượng, lập danh sách để tổ chức tiêm phòng nhanh, an toàn khi được phân bổ vắc xin phòng COVID-19.

Chung sống an toàn

Từ sự chỉ đạo chung của huyện, từng địa phương, đơn vị đã có cách làm phù hợp nhằm duy trì trạng thái bình thường mới.

Xã Cư Huê giáp với xã Ea Drông và Ea Siên, thị xã Buôn Hồ - nơi đang là "vùng đỏ" trên bản đồ COVID-19 nên nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch cao. Để ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa phương, xã đã chủ động thành lập hai chốt kiểm soát dịch tại thôn Ea Kung và thôn Tân Lộc, trực 24/24 giờ, những trường hợp đến từ vùng dịch phải có đầy đủ giấy tờ theo quy định mới được qua chốt.

Người dân xã Cư Huê (huyện Ea Kar) ủng hộ nhu yếu phẩm cho các khu cách ly tập trung của xã.

Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo, Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 xã Cư Huê Phạm Duy Hùng cho biết: Để chung sống an toàn và đưa các hoạt động của xã về trạng thái bình thường mới, xã Cư Huê luôn xác định phòng dịch hơn chống dịch, kiên quyết làm chặt chẽ ngay từ đầu.

Cùng với công tác kiểm soát địa bàn, cách ly tập trung các trường hợp từ vùng dịch về địa phương, xây dựng phương án phòng, chống dịch riêng cho 7 buôn, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc thiểu số, phát huy vai trò của cấp ủy, chi bộ, đội công tác 253, nhất là người có uy tín và tranh thủ tiếng nói của các thành viên Ban Chấp sự Chi hội Tin lành xã.

Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, Hợp tác xã (HTX) Thương mại và dịch vụ nông nghiệp Lâm Tiến (xã Ea Kmút) vẫn có nguồn nguyên liệu duy trì sản xuất. HTX đã đặt trạm thu mua sầu riêng tại vùng trọng điểm trồng sầu riêng của huyện Krông Pắc, bóc tách tại chỗ, sau đó vận chuyển về cấp đông, chế biến theo đơn đặt hàng.

Cùng với đó, HTX cử người ra Bắc Giang thu mua vải, chở về kho lạnh tại Hà Nội rồi thuê xe luồng xanh vận chuyển vào Đắk Lắk sơ chế, xuất bán. Khi khâu lưu thông, tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn, HTX đã tổ chức sản xuất bảo đảm quy định 5K, thu mua các loại trái cây của người dân, sơ chế, cấp đông với sản lượng trên 150 tấn/tháng hoặc cho các đơn vị thuê kho đông lạnh, góp phần “gỡ bí” đầu ra cho nông sản địa phương.

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.