6/10 số người mắc COVID-19 có triệu chứng dai dẳng hơn 1 năm
Theo kết quả một nghiên cứu mới đây, những người mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị ít nhất 1 triệu chứng dai dẳng kéo dài tới 1 năm sau đó.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy cứ 10 người mắc COVID-19 thì có 6 người vẫn còn ít nhất 1 triệu chứng sau một năm và những triệu chứng nào vẫn còn xuất hiện sau 15 tuần thì có khả năng sẽ kéo dài ít nhất 1 năm.
Các nghiên cứu trước đây cho thấy 25-40% bệnh nhân COVID-19 bị các triệu chứng dai dẳng, nhưng tỷ lệ đó phần lớn dựa trên bệnh nhân nhập viện.
Để hiểu rõ hơn về mức độ phổ biến của tình trạng COVID-19 kéo dài trong dân số nói chung, nhóm nghiên cứu đã khảo sát 289 người vào thời điểm 1 năm sau khi có chẩn đoán mắc COVID-19.
Đối tượng nghiên cứu có độ tuổi trung bình là 40 và 1/2 là phụ nữ. Họ được chia thành 3 nhóm dựa vào mức độ nghiêm trọng của COVID-19 khi mắc (không có triệu chứng; nhẹ; trung bình/nặng) và được hỏi về có hay không có biểu hiện của 64 triệu chứng COVID-19 kéo dài phổ biến.
Kết quả cho thấy, 60% bệnh nhân vẫn có ít nhất 1 triệu chứng COVID-19 kéo dài vào thời điểm 1 năm sau mắc bệnh và các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi (34%), khó thở và cáu gắt.
Gần 13% bệnh nhân cho biết các triệu chứng về hô hấp tiếp tục ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ và 54% gặp các vấn đề về giấc ngủ dai dẳng.
COVID-19 có thể gây ra chứng mất ngủ dai dẳng. |
Kết quả cũng cho thấy, những người đã bị COVID-19 mức độ trung bình/nặng có nguy cơ vẫn mắc ít nhất 1 triệu chứng sau 1 năm cao hơn gấp 2 lần so với những người mắc COVID-19 không triệu chứng.
COVID-19 trung bình/nặng cũng liên quan đến nhiều vấn đề về giấc ngủ hơn sau 1 năm so với mắc COVID-19 không triệu chứng (tương ứng tỷ lệ 64% so với 39%).
So với những người mắc COVID-19 không có triệu chứng, những người mắc COVID-19 nhẹ có nguy cơ mắc ít nhất 1 triệu chứng 1 năm sau đó và gặp các vấn đề về giấc ngủ.
Nghiên cứu được trình bày tại Hội nghị của Hiệp hội Vi sinh lâm sàng và Các bệnh truyền nhiễm châu Âu ở Lisbon (Bồ Đào Nha), tổ chức từ ngày 23 - 26/4/2022.
Theo các chuyên gia, COVID-19 kéo dài vẫn có thể có tác động lớn đến chất lượng cuộc sống, thậm chí 1 năm sau nhiễm trùng cấp tính do virus SARS-CoV-2. Nhìn chung, tình trạng viêm cấp tính càng nặng thì càng có nguy cơ cao bị các triệu chứng dai dẳng. Tuy nhiên, tác giả nghiên cứu Aurelie Fischer thuộc Viện y tế Luxembourg ở Strassen (Luxembourg) cho biết, thậm chí mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc nhẹ vẫn có thể gây giảm chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
"Chúng tôi cho rằng COVID-19 kéo dài có thể bao gồm nhiều nhóm phụ, được phân biệt bằng các tổ hợp triệu chứng cụ thể", Aurelie Fischer cho biết thêm.
Theo các nhà khoa học, một số triệu chứng dai dẳng có xu hướng xảy ra đồng thời cùng nhau, chứng tỏ có thể có một số dạng COVID-19 kéo dài khác nhau.
Các chuyên gia cho rằng: "Kết quả nghiên cứu mới sẽ giúp nâng cao nhận thức về nhu cầu cần chăm sóc sức khỏe của những người bị COVID-19 kéo dài và góp phần vào việc hoạch định các chiến lược y tế nhằm hỗ trợ nhóm đối tượng này".
Theo Sức khỏe và Đời sống
Ý kiến bạn đọc