Multimedia Đọc Báo in

Xuống đồng giúp dân sau bão lũ

08:46, 26/10/2021

Mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày vừa qua khiến những đồng lúa trên địa bàn huyện Ea Súp bị thiệt hại nặng nề. Giữa vụ mùa buồn lo ấy đã có những bàn tay ấm áp nghĩa tình của các lực lượng hướng về giúp đỡ nhân dân…

Dõi theo cánh đồng nhiều ngày ngập trong nước lũ, ông Y Sum Êban (thôn 8, xã Ea Rốk) không khỏi đau lòng. Vụ hè thu này, gia đình ông canh tác lúa trên diện tích 2 ha, nhà đông người nên lúa gạo sản xuất chủ yếu để dùng cho gia đình. Thấy lúa trĩu bông, chắc hạt, ông vui mừng chờ ngày thu hoạch thành quả, vậy mà thiên tai lại giáng xuống bất ngờ.

Giọng ông xót xa: “Còn 6 sào ruộng chưa kịp thu thì lũ lụt ập đến. Nhìn ruộng lúa ngâm trong biển nước mà lòng như xát muối, cũng may nhờ sự nhiệt tình hỗ trợ của các chú bộ đội, cán bộ địa phương, gia đình đã vớt vát được thêm ít lúa.”.

Các lực lượng tham gia thu hoạch lúa giúp dân.

Theo số liệu thống kê, trong đợt mưa lũ gây ngập lụt từ ngày 15 đến 18-10, Ea Rốk là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề. Toàn xã có 279 hộ dân phải di dời khẩn cấp; 836 ha lúa, 158 ha hoa màu bị ảnh hưởng; nhiều đoạn đường liên xã, tuyến đường liên thôn bị ngập nặng...

Ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã cho hay, mưa lũ kéo dài khiến nhiều khu vực, nhiều đồng lúa đang độ gặt ngập sâu chừng 1,5 mét. Nhiều ngày sau nước lũ mới rút, nhưng vì đường ruộng lầy lội, lúa ngã rạp dưới bùn nên không thể dùng máy gặt liên hoàn. Xã cần rất lớn lượng nhân công để hỗ trợ bà con các thôn 8 và thôn 10 gặt thủ công, và bộ đội, các cơ quan, đoàn thể địa phương đã chung tay thực hiện điều đó.

Chiếm lực lượng đông đảo nhất, Ban Chỉ huy Quân sự huyện chuẩn bị từ rất sớm nhân lực, phương tiện với 18 cán bộ, chiến sĩ và huy động thêm 10 chiến sĩ dân quân tự vệ tham gia. Lội giữa cánh đồng ngập bùn, bộ đội không nề hà khó khăn, thoăn thoắt vực dậy, cắt gọn từng nhánh lúa bị ngã rạp.

Trong bộ rằn ri dính đầy bùn non và rơm rạ, Trung sĩ Nguyễn Bình Phương (Đại đội 2) cười hiền: “Tôi chưa từng gặt tay bao giờ, nhưng quen việc nhà nông nên cũng thích nghi rất nhanh chóng. Bộ đội mà, nào sá chi gian khó, giúp được dân chừng nào hay chừng đó”.

Bộ đội tham gia vận chuyển lúa giúp bà con.
 

“Trong hai ngày 23 và 24-10, khoảng 50 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp, dân quân tự vệ cùng Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Công an xã Ea Rốk đã cố gắng hết mình để giúp dân gặt lúa sau lũ nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con”.

 
ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk.

Động viên tinh thần bộ đội, Trung tá Nông Văn Thêm, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện cũng xắn gọn áo quần, xông xáo thu gặt lúa như một nhà nông. Có anh lội ruộng cùng, bộ đội và các lực lượng tham gia như được tiếp thêm sự nhiệt huyết trong công việc.

Các anh mang xuống ruộng những câu chuyện tếu táo, vui tươi, khiến thời gian đội nắng trên cánh đồng như dễ chịu hơn so với tiết trời oi bức.

Bữa trưa đến muộn hơn so với thường lệ, bộ đội tranh thủ ăn trưa, tạm nghỉ ngơi ngay gần chân ruộng rồi lại hối hả bắt tay vào việc.

Khoảng hơn 5 ha lúa, nếu bình thường máy gặt liên hoàn chỉ thực hiện trong vài giờ, nhưng trong những ngày ngấm lũ, đó lại là cả vấn đề. Các anh nhắc nhở động viên nhau cố gắng làm việc hết công suất để sau hai ngày giúp dân, toàn bộ lúa ngã rạp đều được thu hoạch…

Theo Trung tá Nông Văn Thêm, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ đơn vị gần như không có ngày nghỉ. Lực lượng vừa làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa căng mình phòng, chống dịch COVID-19 trên tuyến đầu. Khi dịch tạm ổn lại bắt tay vào giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả bão lụt.

Bao năm nay vẫn vậy, địa bàn Ea Súp thường hứng chịu nhiều đợt lũ, lốc xoáy, lực lượng vũ trang huyện đều có mặt hỗ trợ giúp dân. Chỉ tính riêng đợt bão lụt vừa qua, đơn vị đã cử hàng trăm lượt bộ đội và dân quân phối hợp phân luồng, điều tiết giao thông; hỗ trợ nhân dân di chuyển an toàn qua các vùng ngập, vùng nguy hiểm.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.