Multimedia Đọc Báo in

Bộ đội Cụ Hồ “nâng bước em đến trường”

07:55, 26/11/2021

Từ năm 2018 đến nay, Đại đội bộ binh 2 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Ea Súp) đóng quân trên địa bàn xã Cư M'lan đã nhận đỡ đầu em Nguyễn Thị Vân, học sinh lớp 12A, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp để em tiếp tục đến trường.

Em Vân là con út trong gia đình có hai anh em, bố mẹ đều làm nông nhưng không có đất canh tác, phải ở nhờ nhà người quen tại thôn 16 (xã Ia R’vê). Tuy kinh tế khó khăn nhưng bố mẹ Vân vẫn ưu tiên các con học hành với hy vọng sau này các con có cuộc sống tốt hơn.

Năm 2005, tai họa bất ngờ ập xuống, bố Vân bị tai nạn lao động rồi mất. Anh trai của Vân phải nghỉ học theo người quen lên thành phố làm việc kiếm tiền phụ mẹ nuôi em. Năm 2012, rủi ro lại ập đến, anh trai của Vân từ thành phố về thăm nhà thì bị tai nạn giao thông qua đời. "Họa vô đơn chí", năm 2014 mẹ của Vân trên đường đi làm về bị ngã xe phải nhập viện chữa trị dài ngày. Cuộc sống của hai mẹ con Vân vốn đã khó khăn, chật vật, nay lại càng túng quẫn hơn. Tốt nghiệp THCS, em Vân quyết định nghỉ học ở nhà đỡ đần mẹ.

Đại diện Đại đội bộ binh 2 thăm hỏi, động viên em Nguyễn Thị Vân.

Biết về hoàn cảnh ngặt nghèo của Vân, Đại đội bộ binh 2 đã quyên góp trong đơn vị được một số tiền nhỏ hỗ trợ Vân và mẹ vượt qua khó khăn trước mắt; đồng thời cử cán bộ đến nhà thăm hỏi, nhận đỡ đầu cho em Vân suốt bậc THPT. Vào đầu mỗi năm học, Đại đội bộ binh 2 hỗ trợ em Vân tiền mua sách vở, đồ dùng học tập, quần áo; mỗi tháng đơn vị còn hỗ trợ 600 nghìn đồng chi phí sinh hoạt, ăn uống. Trong gần 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, những người lính Đại đội bộ binh 2 thường xuyên lui tới tặng mẹ con em Vân gạo, mắm muối, mì tôm, dầu ăn. Chị Lại Thị Hiền - mẹ em Vân rưng rưng nói: “Năm nay, cháu đã là học sinh cuối cấp. Cảm ơn các chú bộ đội luôn động viên, hỗ trợ cháu về vật chất, tinh thần. Tôi động viên cháu cố gắng học tập tốt”.

Bố mẹ Vân từ tỉnh Thái Bình vào huyện vùng biên Ea Súp lập nghiệp theo Dự án kinh tế - quốc phòng hơn 20 năm trước. Em Vân là một trong số những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Đại đội bộ binh 2 "nâng bước đến trường". Cô Nguyễn Thị Hồng Phượng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ea Súp trò chuyện, Trung tâm đã tạo điều kiện cho em Vân ở nội trú để thuận lợi trong việc học. Từ sự động viên khích lệ của gia đình, nhà trường, các chú bộ đội, em Vân đã vươn lên đạt nhiều thành tích trong học tập, luôn được thầy cô thương yêu, bạn bè quý mến...

Đại diện Đại đội bộ binh 2 trao tiền hỗ trợ hằng tháng cho em Nguyễn Thị Vân.

Đại úy Phan Lê Anh, nguyên Chính trị viên phó Đại đội bộ binh 2 (hiện là Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự huyện), Bí thư Đoàn cơ sở Quân sự huyện Ea Súp - người khởi xướng chương trình "Nâng bước em đến trường" cho biết, dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng cán bộ, chiến sĩ Đại đội bộ binh 2 đã đẩy mạnh tăng gia sản xuất tạo nguồn kinh phí giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Hằng năm, vào mùa tựu trường, đơn vị đều trích từ quỹ tăng gia mua quần áo, sách vở, đồ dùng học tập tặng học trò nghèo các trường học khó khăn trên địa bàn đơn vị đóng quân. Đơn vị sẽ kêu gọi sự chung tay, góp sức của các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm nguồn lực, góp phần san sẻ khó khăn, thắt chặt tình đoàn kết quân - dân vùng biên giới.

Thực hiện lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn có ý thức sâu sắc về nghĩa vụ, trách nhiệm và tình cảm đối với nhân dân, ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, trực sẵn sàng chiến đấu, Đại đội bộ binh 2 còn giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo, xây dựng vùng biên giới mạnh giàu, đặc biệt là "Nâng bước em đến trường". Hành động nhỏ, thiết thực, xuất phát từ trái tim người lính không chỉ tiếp sức cho học sinh vùng biên vững bước đến trường, mà còn tăng cường tình đoàn kết gắn bó với nhân dân, giúp những mầm non tương lai thực hiện được ước mơ, sau này trở thành người có ích cho xã hội.

Nguyễn Thế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.