Multimedia Đọc Báo in

Lính biên cương ở cực Tây Tổ quốc

14:47, 26/12/2022

Đồn biên phòng A Pa Chải, đã hơn 2 giờ sáng, dù mệt nhoài sau chặng đường hơn 500 km từ Hà Nội lên với cực Tây Tổ quốc nhưng chúng tôi vẫn không thể nào chợp mắt  được.

Cán bộ, chiến sĩ trong đồn đã nhường nhiều chăn và căn phòng ấm nhất, vậy mà rét buốt cứ như đang thấm qua bức tường kia, len lỏi vào từng tấm chăn. Trong quầng sáng nhờ nhờ của ánh sao đêm, tôi vẫn thấy bóng những người lính trực gác phía bên ngoài cánh cửa.

Mốc số 0 ở ngã biên giới Việt – Trung – Lào.

Biên cương không bao giờ ngủ…

“Biên cương thao thức” là cụm từ được nói đến nhiều trong những bài viết ca ngợi người lính biên phòng. Nhưng phải đến tận đây, trong đêm mùa đông rét tê cóng này mới thấy nỗi thao thức ấy hiển hiện cụ thể, không cần phải giải thích văn hoa hay hình tượng, rằng người lính biên phòng đang canh cho giấc ngủ của hàng triệu người dân. Trên đất nước mình, luôn có một nơi không bao giờ ngủ, đấy là biên cương và biển đảo.

Không nhớ chúng tôi đã bao lần đi đi về về trở lại với vùng đất “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”  này. Ở Việt Nam có hai cột mốc mang ý nghĩa như thế, cột mốc ở ngã ba biên giới Việt - Lào - Campuchia và cột mốc ở A Pa Chải này. Đặc biệt hơn nữa, cột mốc ở ngã ba Việt – Lào - Trung còn là điểm đánh dấu cực Tây của đất nước Việt Nam cùng với ba cực Đông – Nam - Bắc đánh dấu tọa độ Tổ quốc.

A Pa Chải là tên của bản chung ngày xưa, sau này bản rộng quá tách làm hai, và bản có cột mốc số 0 “ba biên giới” được gọi là bản Tá Miếu. Ai đã chinh phục mốc cực Tây Việt Nam đều biết rõ bởi có đỉnh núi Khoang La San, nơi dựng cột mốc số 0 ba mặt giáp ba nước Việt – Lào - Trung trên đỉnh núi. Tá Miếu  (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé , tỉnh Điện Biên) có 10 km đường biên giáp Lào và 10 km đường biên giáp Trung Quốc.

Năm 2010, lần đầu tiên chúng tôi đến cực Tây, cung đường từ TP. Điện Biên Phủ đến huyện lỵ Mường Chà chỉ 50 km, từ Mường Chà đi vào tới bản Tá Miếu cũng chỉ hơn 200 km, nhưng xuất phát từ TP. Điện Biên Phủ từ 5 giờ sáng thì gần 21 giờ đêm chúng tôi mới tới được Đồn Biên phòng  A Pa Chải sau nhiều lần suýt lạc đường. Đồn A Pa Chải là đồn biên phòng gần cực Tây Việt Nam nhất. Chỉ mười năm trước thôi, cả khu vực này không điện sáng, không sóng điện thoại, những đồi cỏ tranh hoang vu trải dài dưới chân núi Khoang La San, chỉ thi thoảng có dăm ba người theo những nhóm phượt đầu tiên đi chinh phục cột mốc cực Tây.

Đàn bò của bác Trang Váng Sinh ở cực Tây.

“Ơ, nhà báo lại lên thăm A Pa Chải đấy à”, bác Trang Váng Sinh nhận ra chúng tôi, cất tiếng chào rổn rảng. 12  năm trước, Trang Váng Sinh chưa được 60 tuổi, được mệnh danh là “vua bò cực Tây” bởi đàn bò hơn 150 con, nghe tiếng hú của ông chạy xồng xộc từ trên những mái đồi về vục mặt vào những máng gỗ rải đầy muối. Ngày ấy, khi bản Tá Miếu tách ra từ bản A Pa Chải, ngôi nhà của Trang Váng Sinh được coi là ngôi nhà gần cực Tây nhất, bây giờ thì nhìn ra bốn phía, nhà cửa đã mọc lên rất nhiều, ngôi nhà của trưởng bản Lỳ Ná Na trở thành ngôi nhà gần đường biên nhất.

Câu chuyện của chúng tôi hôm nay cũng đã khác. Đàn bò vẫn phát triển, Tá Miếu có thêm nhiều hộ dân nuôi được đàn bò từ bảy chục con đến hơn trăm con. Nhưng điều mà bác Trang Váng Sinh khoe chúng tôi là người con trai út, ngày chúng tôi lên đang đi học dưới Hà Nội nay đã là một sĩ quan biên phòng của Đồn Biên phòng A Pa Chải. Trang Khò Chừ - con trai bác Sinh là Trung úy, đội trưởng đội trinh sát của đồn. Đứa cháu đích tôn của bác Sinh là Trang Mạnh Thức, con của anh Trang Pó Cà cũng đang là học viên của Học viện Biên phòng. Từ một nông dân chăn bò bám biên, nay có con, có cháu đang ở lực lượng biên phòng, bảo vệ đường biên Tổ quốc, với một nơi chốn khác, đó có thể là câu chuyện bình thường, nhưng nơi vùng cực Tây này nó lại lấp lánh một thông điệp về sự đổi thay và hy vọng. Và những thay đổi ấy không phải từ những dự án quốc gia mà bắt đầu từ chính những người lính biên phòng nơi đây...

Ân tình của người lính quân hàm xanh

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn là đồn đầu tiên được lập ra từ năm 1958. Ngày ấy, những người lính “công an vũ trang” (tên gọi cũ của bộ đội biên phòng) đã lên đây cắm bản để lo cho dân. Phương tiện vận chuyển duy nhất cho đồn vào những năm ấy là… máy bay trực thăng bởi không có tuyến đường nào lên được đây, kể cả đường mòn cho ngựa đi!  Và một người lính cắm bản đầu tiên ấy sau này trở thành người anh hùng đầu tiên của Bộ đội Biên phòng Việt Nam là Anh hùng Trần Văn Thọ của đồn Leng Su Sìn!

Người lính biên phòng quê Trấn Yên (Yên Bái) khi thành lập đồn ở đây cũng chính là người đã dạy cho bà con biết học cái chữ, làm lúa nước, đưa trẻ con ra huyện học trường dân tộc nội trú… Người lính ấy khi về phép đã dành tiền mua lưỡi cày, khoác sau ba lô mang lên đây rồi vào rừng đẵn cây đẽo cày dạy bà con cày ruộng. Khi vận động một cô gái Hà Nhì ở bản đi học, cô gái ấy bảo không ai chăm mẹ, anh bảo: Cứ đi học đi, anh sẽ cùng đồng đội mỗi ngày chăm bà. Cô gái ấy, nay là bà Chu Chà Me, nguyên là cán bộ phụ nữ tỉnh nay đã về hưu.

Đồn Biên phòng Leng Su Sìn hôm nay.

Người lính biên phòng Trần Văn Thọ đã hy sinh sau một trận sốt rét vào năm 1961, khi ấy anh chỉ mới 26 tuổi. Trong tâm thức người dân vùng biên giới này, anh Thọ được kính thờ như một vị thần. Trên tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ của Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, tên của Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ được khắc đầu tiên, và sau tên của anh còn tên của rất nhiều liệt sĩ khác, hy sinh suốt từ thời tiểu phỉ đến những năm tháng chiến tranh biên giới 1979.

Những thế hệ sau của người anh hùng biên ải ấy nay vẫn sống và tận hiến cho người dân. Hôm lên mốc số 0 trên đỉnh Khoang La San, người chiến sĩ biên phòng dẫn đường cho chúng tôi là Giàng A Kháy, một chàng trai Mông đang đi nghĩa vụ ở đồn. Khi lên đến cột mốc, chính Kháy đã nhắc anh em chỉnh đốn trang phục rồi trang nghiêm chào quốc huy. Sau khi ăn trưa, anh em đang nghỉ ngơi lấy sức để leo xuống thì mình Kháy lặng lẽ thu dọn những gì đang vương vãi quanh mốc, trong hành động ấy ánh lên một tình yêu thiêng liêng với cột mốc chủ quyền, với biên giới quê hương. Nhưng lòng cảm phục với Kháy, người chiến sĩ dân tộc Mông chưa dừng lại ở đó. Trên đường từ mốc số 0 đi xuống, trên một thân cây cổ thụ sát bên đường, một nhành phong lan bị ai đó vội vã va quệt vào khiến cả khóm phong lan bị bong ra treo lơ lửng bên thân cây. Kháy bảo mọi người cứ thong thả xuống trước, còn Kháy đi kiếm một sợi dây rừng, cẩn thận và khéo léo buộc nhành phong lan gắn chặt lại vào thân cây. Chỉ riêng hành động ấy của người lính trẻ dân tộc Mông này đã nói với chúng tôi rất nhiều điều lớn lao trong cái hành động tình cờ đầy ý thức như thế…

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc