Multimedia Đọc Báo in

Màu của tin yêu

06:16, 25/12/2022

Với người con đất Việt, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ đã đi vào cuộc sống thường ngày với những nét đẹp giản dị, gần gũi. Màu quân phục người lính đã trở thành màu của tin yêu, trong lòng nhân dân từ quá khứ hào hùng, đến khi đất nước hòa bình, vươn mình mạnh mẽ trước nhịp sống thời đại.

Dọc dài đất nước, bản hùng ca bất diệt của quân và dân cả nước trong đấu tranh, bảo vệ độc lập, tự do, bảo vệ bình yên cho Tổ quốc luôn được nhắc nhớ muôn đời. Tháng ngày gian lao ấy, đã có những chàng trai, cô gái tuổi mười tám đôi mươi tình nguyện xếp bút nghiên, khoác áo xanh lên đường ra trận. Chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, họ sẵn sàng hy sinh thanh xuân, cuộc sống của mình. Nhiệt huyết và khí thế sục sôi chống lại quân thù đã kết thành những chiến thắng chấn động địa cầu, là niềm tự hào, kiêu hãnh của toàn thể dân tộc.

Và giờ đây, giữa cuộc sống thời bình, màu áo xanh ấy luôn tiếp nối mạch nguồn truyền thống, tích cực huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cần cù lao động sản xuất, cùng toàn dân xây dựng đất nước. Màu áo xanh tạo dựng tin yêu trong lòng dân bằng những việc làm chân thành, bình dị.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Còn nhớ, ít năm trước, hai trận lốc xoáy kinh hoàng liên tiếp diễn ra đã quét sạch mái hàng trăm căn nhà ở vùng biên Ea Súp. Bộ đội lại dồn sức dành sự quan tâm, lo lắng cùng dân khắc phục hậu quả.

Cũng ở tại vùng biên còn nhiều gian khó như Ea Súp, Buôn Đôn, màu xanh áo lính vẫn thường xuyên có mặt để giúp đỡ bà con thu hoạch mùa màng, xây dựng nhà ở, dạy lớp xóa mù, xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội. Gặp khó thì làm lại, thành công thì nhân rộng để có thêm nhiều hộ được làm giàu, bộ đội cứ bền bỉ mỗi ngày để rồi tạo dấu ấn với biên cương bằng hàng trăm mô hình, việc làm nhân nghĩa. Bà Nguyễn Thị Giáo – hộ neo đơn trên địa bàn xã Ea Bung, huyện Ea Súp từng trải lòng: “Bộ đội biên phòng thương hiểu hoàn cảnh tôi như chính người thân ruột thịt. Các chú cứ nhắn nhủ cần giúp việc gì hãy gọi. Nhiều khi chỉ cần những lời động viên như vậy đã thấy rất ấm lòng”.

Thật khó kể hết những vất vả, hy sinh của bộ đội thời bình. Ròng rã 2 năm chống dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, hình ảnh người lính “ăn lán, ngủ rừng” dọc tuyến biên giới của đất nước để vừa bảo vệ biên cương, vừa phòng, chống dịch đã từng gây xúc động biết bao trái tim. Nhưng đâu chỉ có dịch, trong nhịp sống thường ngày, màu áo thân thương ấy cũng chịu không ít thiệt thòi về vật chất, tinh thần. 

Cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt ở huyện Krông Bông.

Ở Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), dặm dài xa cách giữa “tiền tuyến” – “hậu phương” thêm thăm thẳm khi người lính làm nhiệm vụ ở tận đất bạn Campuchia. 6 tháng ròng rã trèo non, lội suối tìm hài cốt liệt sĩ ở đất khách, các anh không chỉ xa vợ trẻ, con thơ, vắng bữa cơm nhà, mà gia đình còn thiếu chỗ dựa trụ cột trong những chuyện vui buồn của một mái ấm. Và ngay cả khi công tác ở đơn vị cách nhà vài ba cây số, nhưng vì nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, không ít người lính phải vài tuần mới ghé về nhà. Những ngày lễ, Tết thiếu vắng người chồng; việc nội ngoại hai bên, chăm lo cha mẹ già, con đau ốm… tất cả dồn hết lên đôi vai người vợ. Sự hy sinh của người lính Cụ Hồ và hậu phương nối dài theo ngày tháng, có lẽ chỉ người trong cuộc mới thấm ngấm đến tận cùng.

Nơi các địa bàn xa ngái của Đắk Lắk, hay trên những nẻo đường biên hôm nay, các buôn làng đã dần thay da đổi thịt, thêm nhiều công trình quân – dân mới mọc lên, thêm hàng trăm trẻ em được "chắp cánh" đến trường và thêm nhiều ân tình mà người lính vẫn đang dày công vun đắp cho bức tranh quê hương thêm bình yên, tươi mới…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.