Multimedia Đọc Báo in

Tập trung ngăn chặn hiểm họa bom mìn

08:43, 19/05/2024

Tai nạn do bom mìn, vật liệu nổ vẫn tiềm ẩn khắp nơi trên cả nước và để lại hậu quả nặng nề.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn Đại tá LÊ VĂN HÙNG, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh.

Đại tá Lê Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

♦ Bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh vẫn là một hiểm họa. Vậy lực lượng chức năng của tỉnh đã làm gì để ngăn chặn những tổn thất khủng khiếp từ “tử thần” bom mìn, vật liệu nổ trên địa bàn tỉnh, thưa Đại tá?

Nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ ô nhiễm bom mìn cao trên thế giới. Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích bị ô nhiễm bom mìn khá lớn. Bom mìn, vật liệu nổ có nhiều chủng loại, nhưng nguy hiểm nhất hiện nay vẫn là các loại: bom phá, bom bi, đầu đạn M79, đạn pháo, đạn cối....

Theo số liệu khảo sát một số khu vực trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội, Đắk Lắk có 12.703 ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ nằm ở 15 huyện, thị xã, thành phố. Từ năm 2010 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo cho lực lượng công binh thu gom và xử lý được 7.287 quả bom mìn, vật nổ các loại. Một số khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ cao như các xã Cư Êbur, Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột); xã Cư Bao, phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ); các xã Ea Wer, Ea Bar, Krông Na (huyện Buôn Đôn); xã Cư Né (huyện Krông Búk); xã Ea Trang (huyện M’Drắk)…

Để ngăn chặn những tổn thất khủng khiếp từ bom mìn, vật liệu nổ, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ sau chiến tranh. Đối tượng được đặc biệt quan tâm tuyên truyền là nông dân, thanh thiếu niên, học sinh trên địa bàn, để tiến tới không có ai bị tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Đơn vị đã thực hiện tốt việc quản lý địa bàn; phối hợp rà phá bom mìn tại các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo cho công tác thi công các hạng mục dự án an toàn tuyệt đối.

♦ Chính phủ đã có Quyết định số 748/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2023 – 2025. Vậy kế hoạch này được triển khai trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa Đại tá?

Quyết định 748 của Chính phủ đã nêu rõ nhiệm vụ cụ thể là triển khai các chương trình, kế hoạch, dự án rà phá bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân; phấn đấu rà phá bom mìn, vật liệu nổ trên diện tích khoảng 500.000 ha; trọng tâm là các địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ cao, trong đó có tỉnh Đắk Lắk.

Sau khi phối hợp với các sở, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Chương trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong chương trình này có 18 dự án rà phá bom mìn, vật liệu nổ, với tổng diện tích trên 829 ha. Hiện nay, toàn tỉnh đã thực hiện được 10 dự án, tổng diện tích 540,31 ha; năm 2024 - 2025, tiếp tục thực hiện các dự án tiếp theo của chương trình.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đã phối hợp với VNMAC xây dựng, rà soát, điều chỉnh nhu cầu khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại địa phương phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng cơ sở dữ liệu khắc phục hậu quả bom mìn cấp tỉnh và phối hợp với VNMAC để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia.

♦ Thưa Đại tá, thực tế tai nạn bom mìn xảy ra vì nhiều nguyên nhân, trong đó nhiều người dân có thái độ ứng xử chưa đúng khi nhìn thấy các hành vi liên quan đến bom mìn, vật liệu nổ. Vậy để bảo đảm an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, người dân cần phải làm gì khi gặp những trường hợp này?

Bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh để lại hậu quả rất nghiêm trọng. Người bị nạn có thể tử vong tại chỗ hoặc bị thương nặng với các di chứng cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy, sự thờ ơ, vô cảm, chủ quan của mọi người xung quanh có thể sẽ phải trả giá rất đắt.

Để bảo đảm an toàn cho bản thân, mọi người xung quanh, tốt nhất là tránh xa khu vực có bom mìn, không nên đi vào những nơi bị nghi là nhiễm bom mìn. Khi phát hiện bom mìn, vật liệu nổ, người dân cần trình báo ngay cho lực lượng chức năng như: cơ quan quân sự, cơ quan công an hoặc UBND xã/phường gần nhất.

Người dân tuyệt đối không tác động trực tiếp vào bom mìn và vật liệu chưa nổ như: cưa đục bom mìn, mở tháo bom mìn, ném vật khác vào bom mìn, và vận chuyển bom mìn, không đốt lửa trên vùng đất còn nhiều bom mìn, không đi vào khu vực có cảnh báo nguy hiểm.

♦ Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Quỳnh Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.