Multimedia Đọc Báo in

Xoa dịu vết thương bom mìn (Kỳ 2)

17:30, 19/10/2018

Kỳ 2: “Cuộc chiến” thầm lặng

Từng là chiến trường khốc liệt trong chiến tranh, Đắk Lắk chịu ảnh hưởng nặng nề do hậu quả bom mìn để lại. Vì sự bình yên cho cuộc sống, lực lượng chức năng không quản ngại hiểm nguy sẵn sàng có mặt khắp mọi nẻo đường để thực hiện nhiệm vụ đặc thù là dò tìm, loại trừ hiểm họa luôn rình rập, bảo vệ bình yên cuộc sống giữa thời bình.

Dấu chân người lính công binh

Mới đây, chúng tôi có dịp theo chân các chiến sĩ Công binh đang làm nhiệm vụ trên đường Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) – nơi có dự án cấp nước sạch đi qua. Binh nhất Nguyễn Vĩnh Nam di chuyển trước, cầm máy TM88 dò bom mìn ở độ sâu từ 50 – 80 cm. Phía sau anh là Thượng úy Trần Văn Bảy với máy dò Vallon có thể quét tín hiệu ở độ sâu 5,5 – 6,5 mét. Thoạt nhìn các thao tác có vẻ rất giản đơn, nhưng sự thật không hề dễ dàng. Anh Bảy thổ lộ, khi được biên chế về Đại đội Công binh, ngoài huấn luyện các khoa mục liên quan, các chiến sĩ còn được Đại đội trưởng trực tiếp tập huấn tường tận cách sử dụng máy dò và các công đoạn tháo, gỡ bom mìn. Bởi công việc hết sức hiểm nguy, luôn cận kề "tử thần", nên người lính Công binh phải trui rèn bản lĩnh, tập trung cao độ, nhanh nhạy xử lý khi có tình huống xảy ra.

Với nhiệm vụ đặc thù, lính Công binh luôn sẵn sàng có mặt ở khắp mọi nơi trên địa bàn tỉnh, từ rừng núi thâm u, hiểm trở đến mọi ngóc ngách của buôn làng, hay chốn phố thị đông đúc, tấp nập. Có những sự việc quá gấp gáp, các anh làm việc cả đêm, tập trung cao độ để hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ đội Công binh dò tìm bom mìn, vật nổ.
Bộ đội Công binh dò tìm bom mìn, vật nổ.

Những ngày cuối tháng 6-2017, trong quá trình đào hố trồng tiêu, người dân thôn Thanh Bình (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) phát hiện một quả bom do Mỹ sản xuất, có chiều dài 1,7 m, nặng 250 kg. Ngay khi nhận được thông báo, lực lượng Công binh (Phòng Tham mưu, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã nhanh chóng lên đường. Xuất phát giữa buổi trưa nắng cháy da thịt, các anh mong thật sớm có mặt, phối hợp canh gác hiện trường, xử lý vụ việc.

Xác định quả bom vẫn còn mới, ngòi nổ nguyên vẹn, các chiến sĩ Công binh cẩn trọng từng chút, đồng sức “gánh” bom ra khỏi hiện trường rồi đưa lên xe càng, đưa ra cách đó khoảng 10 km để hủy nổ an toàn. Đa phần các loại bom mìn đều được lực lượng xử lý theo cách nói trên, nhưng cũng có những trường hợp không thể xê dịch, bắt buộc phải hủy nổ ngay tại chỗ. Những thời điểm ấy thực sự căng thẳng hơn rất nhiều, bởi hơn ai hết, các anh biết mình đang ở giữa lằn ranh sinh tử

Nỗ lực mang lại sự bình yên

Để từng bước khắc phục hậu quả bom mìn, nhiều năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp Quân đội triển khai thực hiện nhiều chương trình hành động góp phần xoa dịu vết thương bom mìn cũng như phòng ngừa tai nạn do bom mìn gây ra. Cụ thể là hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn; tổ chức trưng bày hiện vật, hình ảnh các loại bom mìn; tuyên truyền lưu động tại các vùng, địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bom mìn gây ra…

Bom mìn, vật nổ được bộ đội Công binh tìm kiếm, thu hồi.
Bom mìn, vật nổ được bộ đội Công binh tìm kiếm, thu hồi.
 

“Tính từ năm 2013 đến nay, Bộ đội Công binh đã phối hợp xử lý gần 6.500 vật liệu nổ các loại theo đúng quy trình, bảo đảm an toàn tuyệt đối”.

 
 
Trung tá Đoàn Minh Chút, Chủ nhiệm Công binh, Phòng Tham mưu (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh)

Là một trong những nạn nhân bom mìn được hỗ trợ sinh kế năm 2017, ông Lò Văn Thái (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) rất cảm động. Mang thương tật do bom mìn từ nhỏ, ông Thái lập gia đình với ước mong sẽ có những người con khỏe mạnh, nhưng cả hai người con đều mất sớm. Vợ ông mang bệnh, đau ốm thường xuyên, không thể lao động nặng nên càng khiến kinh tế gia đình chật vật hơn. Giờ đây, có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành mà vợ chồng ông như có thêm động lực để vững tin hơn trong cuộc sống…

Đối với người lính Công binh thì họ luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có lệnh để mang đến sự bình yên cho mọi người. Trung tá Đoàn Minh Chút nhớ lại, gần mười năm về trước, khi nhận được tin báo của người dân phát hiện quả bom nặng gần 500 kg tại một huyện vùng sâu, lực lượng chức năng đã sớm có mặt, khoanh vùng hiện trường, nhưng sau trận mưa to gió lớn, quả bom bỗng dưng “biến mất”. Lần theo dấu vết thì phát hiện quả bom được ai đó lén dịch chuyển vào rẫy cà phê nhằm cưa bán sắt vụn nhưng rất may là chưa kịp thực hiện. Cũng đã có những lần khi nhận được tin báo, bộ đội Công binh có mặt tại hiện trường, nhưng bom mìn, vật nổ đã không còn ở đó… Trực tiếp chứng kiến những sự việc có thể dẫn đến hậu quả khôn lường này, lực lượng Công binh ngoài thực thi nhiệm vụ, còn luôn chú trọng tuyên truyền tác hại bom mìn cho người dân được rõ.

Hằng ngày, lính Công binh vẫn miệt mài vì nhiệm vụ, không nề hà gian khó, hiểm nguy. Ước mong của các anh cũng như của mọi người, mọi nhà là trên vùng đất đỏ bazan nói riêng và trên khắp đất nước nói chung sẽ sớm dứt tiếng nổ của bom mìn còn sót lại để những vết thương hậu chiến không còn xảy ra nữa.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.