Multimedia Đọc Báo in

“Xạ thủ” tranh tài

08:07, 03/05/2024

Giữa cái nắng đỉnh điểm của mùa khô, các “xạ thủ” đến từ 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh vẫn bình tĩnh, tự tin, sử dụng thành thạo vũ khí, trang bị để tranh tài tại Hội thao bắn súng quân dụng bộ đội thường trực và dân quân tự vệ do Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức.

Hội thao có sự tham gia của 150 vận động viên (VĐV), gồm dân quân tự vệ và bộ đội thường trực. Chiến sĩ dân quân Triệu Tiến Lý (SN 2002) của Đoàn VĐV huyện M’Drắk là một trong những người trổ tài thiện xạ đầu tiên tại hội thao.

Tham gia bài bắn súng tiểu liên AK bài 1: Bắn mục tiêu ẩn hiện ban ngày, anh bình tĩnh, tự tin bước vào tuyến bắn. Tinh thần tập trung cao độ đó đã giúp Lý hạ gục các mục tiêu, ở các tư thế với cự ly bắn 100 m.

Triệu Tiến Lý chia sẻ, trước đây, anh từng là chiến sĩ nghĩa vụ của Lữ đoàn Đặc công 198. Khoảng thời gian rèn luyện, học tập tại đơn vị, cũng như quá trình tập luyện tại địa phương M’Drắk đã giúp anh đúc rút nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình thi đấu.

Hội thao năm nay thu hút 150 VĐV tham gia, trong số đó có đến 50% là nữ. Vốn được xem là phái yếu nhưng khi đứng trước đấu trường, các nữ VĐV thể hiện chuẩn xác kỹ thuật trong các bài bắn.

Nhiều dân quân nữ đạt thành tích cao trong hội thao như Nguyễn Thị Hương, Trần Thị Mỹ Diên, Đàm Thị Vân (Đoàn VĐV Ban CHQS huyện Ea Súp); Hứa Thị Hồng (Đoàn VĐV Ban CHQS thị xã Buôn Hồ)… khiến nhiều người nể phục. Bởi ngoài nhiệm vụ hội thao, họ còn bị chi phối nhiều do công việc nương vườn, gia đình, con nhỏ.

Chiến sĩ dân quân tham gia nội dung thi bắn súng Tiểu liên AK bài 1.

VĐV Bùi Thị Đoan Phương (Đoàn VĐV Ban CHQS huyện Cư Kuin) chia sẻ, bản thân đang nuôi con nhỏ hơn một tuổi, nhưng khi được Ban CHQS huyện tin tưởng, giao nhiệm vụ, chị luôn sẵn sàng. Không những chị, mà các VĐV khác đều nỗ lực khắc phục khó khăn, tranh thủ mọi thời gian luyện tập để hoàn thành tốt nhất nội dung thi đấu.

Trong hội thao lần này, có hai nữ sĩ quan, tuổi đời còn rất trẻ. Các chị tham gia nội dung thi bắn súng ngắn K51 với nhiều tư thế, nhiều phần, thời gian khác nhau. Điểm số mỗi mục tiêu dẫu cao thấp khác nhau, song hội thao đã giúp họ rèn giũa, mở mang nhiều kiến thức. Trung úy Nguyễn Trần Tố Uyên (SN 1995, cơ quan thanh tra Quốc phòng, Bộ CHQS tỉnh) chia sẻ: “Bắn súng là một trong những điều kiện, kỹ năng cần thiết của mỗi quân nhân. Hội thao giúp chúng tôi nhìn thấy những điểm còn yếu của mình để tiếp tục trau dồi, rèn luyện, nỗ lực hơn nữa cho những lần thi khác”.

Nữ sĩ quan thi tài trên thao trường.

Tự tin trên thao trường, các sĩ quan trẻ như Trung úy Võ Khánh Huy, Trung đội trưởng Trung đội 2 (Đại đội 5, Ban CHQS huyện Buôn Đôn), Trung úy Lê Minh An, Trung đội trưởng Trung đội 10 (Đại đội 7, Tiểu đoàn 303) bước vào loạt bắn với súng ngắn K54. Liên tục phải thay đổi vị trí, tư thế bắn, nhưng ở phần nội dung nào, các trung đội trưởng đều tỏ ra bản lĩnh, tự tin. Các sĩ quan trẻ nhả đạn trúng vào vòng 9, vòng 10 khá nhiều.

Trung úy Võ Khánh Huy chia sẻ kinh nghiệm: “Để đạt kết quả tốt cần phải bền bỉ luyện tập ngắm bắn bằng cả hai tay, rèn thể lực cả quá trình dài. Quá trình bắn đừng để run tay, phải phối hợp nhịp nhàng từng chuyển động của cơ thể thì mới nhả đạn đúng mục tiêu mong muốn”.

Còn Trung úy Lê Minh An thì cho hay, là cán bộ huấn luyện chiến sĩ mới nên anh càng phải làm gương, đầu tàu. Khi được đơn vị tin tưởng giao trọng trách tại hội thao, bản thân đã nỗ lực để đạt kết quả tốt nhất nhằm truyền động lực giúp bộ đội thêm tự tin, vững vàng mỗi lần bước vào tuyến bắn.

Theo Đại tá Lê Văn Hùng, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh, Hội thao bắn súng quân dụng nhằm đánh giá thực chất trình độ, năng lực thực tế của các đoàn VĐV của các đơn vị; qua đó làm cơ sở để lựa chọn VĐV và thành lập đội tuyển tổ chức luyện tập, tham gia Hội thao Quân khu sắp tới.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.