Multimedia Đọc Báo in

Dân vận khéo trong công tác tuyển quân

07:36, 04/10/2024

Hằng năm, trên địa bàn tỉnh có khoảng 3.000 công dân lên đường nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân, đạt 100% chỉ tiêu được giao. Để góp phần vào kết quả chung này, nhiều đơn vị, địa phương đã vận dụng linh hoạt các biện pháp dân vận khéo nhằm bảo đảm “tuyển đủ số lượng, nâng cao chất lượng”.

Phát huy vai trò người có uy tín

Ea Hiu là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pắc. Nơi đây có 3 dân tộc anh em (Kinh, Êđê và Bru Vân Kiều) cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Trên địa bàn xã có 3 tôn giáo đang hoạt động, gồm Tin lành, Thiên Chúa giáo và Phật giáo.

Để tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự đến người dân một cách hiệu quả và được địa phương áp dụng thành công là tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong vận động thanh niên người đồng bào dân tộc thiểu số. Cùng với đó là thông qua chức sắc, chức việc các tôn giáo trên địa bàn để gặp gỡ, trao đổi với nhân dân có đạo.

Có nhiều năm tham gia công tác tuyên truyền, vận động thanh niên nhập ngũ, chị Nguyễn Thị Thu Hiền, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy Quân sự xã Ea Hiu luôn nỗ lực để cùng địa phương hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đoàn công tác xã Ea Hiu, huyện Krông Pắc động viên, tặng quà gia đình có công dân nhập ngũ.

Còn nhớ năm 2022, xã Ea Hiu tiếp nhận 12 lá đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ, trong đó có lá đơn của Ai Viên Quốc – một thanh niên tiêu biểu, tích cực tham gia hoạt động phong trào tại địa phương. Ai Viên Quốc rất mong được thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhưng gia đình không muốn anh nhập ngũ vì anh là lao động chính, hơn thế, đi bộ đội sẽ không bảo đảm việc đi lễ hằng tuần (gia đình anh theo đạo Tin lành).

Nhiều lần, chị Hiền đến vận động gia đình, nhưng bố mẹ Ai Viên Quốc từ chối gặp. Cuối cùng, chị và các cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự xã quyết định đến gặp mục sư – người đứng đầu trong chi hội Tin lành tại địa phương để nhờ sự giúp đỡ. Khi thấy đoàn công tác, trong đó có mục sư thì gia đình đã vui mừng chào đón.

Mục sư đã giải thích cho gia đình hiểu nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, kính Chúa là yêu nước. Sau buổi trò chuyện, gia đình đã vui vẻ để Ai Viên Quốc yên tâm rèn luyện trong môi trường quân ngũ, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân với đất nước.

Quan tâm hỗ trợ quân nhân và gia đình

Cư Pui là xã vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Krông Bông, nơi có đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dù còn nhiều khó khăn, song những năm qua, địa phương luôn là điểm sáng trong toàn huyện về thực hiện công tác tuyển quân.

Anh Nguyễn Trọng Hà, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã cho biết, hằng năm, đơn vị tham mưu xây dựng kế hoạch đăng ký, phúc tra, tổ chức bồi dưỡng, phân rõ trách nhiệm cho cán bộ phụ trách từng địa bàn để nắm chắc chất lượng nguồn ngay từ thôn, buôn cũng như trong các cơ quan, nhà trường, công ty.

Xác định vận động tuyên truyền là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tuyển quân, vì vậy xã đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua hệ thống thông tin đại chúng, mạng xã hội, kết hợp phát động quần chúng để tuyên truyền Luật Nghĩa vụ quân sự.

Công dân Đắk Lắk hăng hái lên đường nhập ngũ.

Đa phần thanh niên địa phương và gia đình đều chấp hành nghiêm công tác tuyển quân, song cũng có một vài trường hợp thiếu hiểu biết nên có hành vi trốn tránh. Đơn cử, vừa qua, do hoàn cảnh gia đình, thôn Ea Rớt có một công dân trả lệnh gọi nhập ngũ.

Nắm tình hình, đoàn công tác của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự xã đã đến tận nhà, lắng nghe tâm tư của các thành viên trong gia đình. Khi biết gia đình khó khăn về kinh tế, công dân nhập ngũ là lao động chính trong nhà, anh Nguyễn Trọng Hà đã động viên mọi người tiếp tục yên tâm lao động sản xuất.

Anh phân tích, giảng giải cho gia đình biết hậu quả của việc trốn tránh nghĩa vụ quân sự; hứa sẽ chung tay giúp đỡ khi gia đình cần, đồng thời lấy ví dụ cụ thể những gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn được lực lượng vũ trang xã từng hỗ trợ.

Được đả thông tư tưởng, công dân và gia đình yên tâm thực hiện công việc được giao. Về phía địa phương, sau khi công dân nhập ngũ, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã thường xuyên liên lạc, hỏi han tình hình gia đình, cử lực lượng giúp làm nhà vệ sinh; di dời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi để phát triển kinh tế.

Buôn Ea Bông (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) có 350 hộ với khoảng 1.500 nhân khẩu, trong đó có đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hằng năm, buôn có khoảng 5 – 7 công dân nhập ngũ, đạt 100% chỉ tiêu được giao; nhận thức của thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ tăng lên rõ rệt.

Để bà con hiểu biết và thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự, buôn Ea Bông thường xuyên kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp buôn, sinh hoạt, giao lưu văn hóa, văn nghệ.

Chị H’Chuyên Ênuôl, Trưởng buôn Ea Bông vẫn thường thuyết phục bà con bằng những câu chuyện người thật việc thật tại buôn trước, trong và sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; chia sẻ, phân tích với gia đình và thanh niên trong độ tuổi nhập ngũ về những lợi ích trước mắt và cả về lâu dài của việc tham gia nghĩa vụ quân sự. Quân đội là trường học lớn, là môi trường kỷ luật tốt để thanh niên tránh xa tệ nạn xã hội, phấn đấu rèn luyện trưởng thành mọi mặt.

Để động viên công dân, trước ngày nhập ngũ, buôn tổ chức đoàn công tác đến thăm, chuyện trò, động viên thanh niên trúng tuyển. Với công dân hoàn thành nghĩa vụ, buôn cũng phối hợp rà soát số lượng để tham mưu, đề xuất hỗ trợ tìm kiếm việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất.

Thực tế, nhiều năm qua, thanh niên Ea Bông luôn chấp hành tốt lệnh gọi nhập ngũ. Trong đó có những trường hợp như gia đình ông Y Cul Ênuôl có cả hai người con trai đều xung phong nhập ngũ. Hoàn thành nhiệm vụ, hai thanh niên được hỗ trợ miễn phí học bằng lái xe, hiện đang làm nghề với công việc ổn định, thu nhập khá.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.