Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường chỉ đạo để công tác bầu cử bảo đảm công khai, dân chủ

09:51, 15/04/2016

Xác định công tác bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021 là nhiệm vụ chính trị quan trọng, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã tập trung triển khai các bước, các nội dung nhằm bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra đúng pháp luật, an toàn và dân chủ. Để hiểu rõ thêm về công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh.

°Đến nay, công tác chuẩn bị cho Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021 trên địa bàn tỉnh đã được triển khai như thế nào, thưa đồng chí?

Xác định bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chủ động triển khai công tác chuẩn bị theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức phụ trách bầu cử ở các cấp đã được thành lập theo đúng tiến độ và quy định.

Vừa qua, Tỉnh ủy đã thành lập 4 Đoàn công tác do các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn đi kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có việc kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Qua kiểm tra, có thể khẳng định công tác chuẩn bị bầu cử tại các cấp huyện, xã đều đã được thực hiện đúng quy định, quy trình, bảo đảm đúng tiến độ và thời gian. Kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai đã thống nhất danh sách sơ bộ 13 người được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV, 156 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 1.046 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện và 10.179 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Hiện nay, tỉnh đang triển khai cho các địa phương tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến đối với người ứng cử.

°Theo Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND năm 2015, Thường trực HĐND tỉnh thể hiện vai trò như thế nào trong việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp, thưa đồng chí?

Đối với HĐND tỉnh, để có cơ sở cho việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, ngày 22-1-2016, Thường trực HĐND tỉnh đã đề nghị Cục Thống kê tỉnh báo cáo số lượng dân số trên địa bàn tỉnh đến ngày 31-12-2015. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đã dự kiến sơ bộ cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và Ủy ban Bầu cử tỉnh tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Trên cơ sở kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục điều chỉnh cơ cấu thành phần, phân bổ số lượng đại biểu ứng cử HĐND tỉnh theo đúng quy định.

 Theo dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng đại biểu ứng cử HĐND tỉnh được Thường trực HĐND tỉnh chuẩn bị và gửi cho UBMTTQ Việt Nam tỉnh thì số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 là 85 đại biểu; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 35%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 35%; đại biểu tôn giáo chiếm tỷ lệ 5%; đại biểu ngoài đảng chiếm tỷ lệ 10%; đại biểu dưới 35 tuổi chiếm tỷ lệ 15%; đại biểu tái cử chiếm tỷ lệ 41%. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh còn thực hiện nhiệm vụ giám sát việc dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp huyện, xã.

° Theo Luật Bầu cử 2015, lần đầu tiên những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử ĐBQH và HĐND tỉnh (nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang được giáo dục bắt buộc, cai nghiện bắt buộc), đồng chí suy nghĩ như thế nào về quy định mới này?

Theo tôi, Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND lần đầu tiên quy định những người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu cử ĐBQH và HĐND tỉnh là rất đúng đắn, phù hợp và tiến bộ, thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước đối với quyền con người nói chung và quyền bầu cử của công dân nói riêng, vì những trường hợp nêu trên đều chưa bị hạn chế các quyền cơ bản của con người được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền công dân.

Đối với mỗi cử tri, việc đi bầu cử là quyền lợi đồng thời cũng là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Do đó, cử tri cần hết sức cân nhắc, đọc kỹ lý lịch của từng ứng cử viên để bầu chọn những đại biểu xứng đáng nhất. Ngoài ra, cử tri cũng cần tuân thủ tốt nội quy của phòng bỏ phiếu và thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về bầu cử.

°Xin cảm ơn đồng chí!

Hồng Chuyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.