Hướng về ngày hội lớn
Ngày 22-5, hơn 1,2 triệu cử tri trên địa bàn tỉnh nô nức tham gia bỏ phiếu, bầu những người có đủ tài, đức vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016-2021. Với mỗi người, lá phiếu là niềm tin, là sự kỳ vọng được gửi gắm tới những người đại biểu dân cử...
Náo nức ngày hội toàn dân
Những ngày này, với vai trò của Chủ tịch Hội đồng già làng xã Ea Tu và Trưởng Ban Công tác Mặt trận buôn Krông A (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), già Y Yơh Kbuôr không lúc nào ngơi việc: hết đi tuyên truyền, vận động bà con tham gia bầu cử đầy đủ, lại theo sát công tác chuẩn bị tại điểm bầu cử trên địa bàn... Già Y Yơh cho biết, xã Ea Tu có 6 thôn, 6 buôn với tổng số cử tri là 11.014 người; trong đó có 4.967 cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số. Để công tác bầu cử tại địa phương được hoàn thành tốt đẹp, các cán bộ cơ sở, Ban Công tác Mặt trận, Ban tự quản và các tổ chức đoàn thể của buôn đã được UBND, MTTQVN xã Ea Tu tổ chức học tập, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản có liên quan, đặc biệt là Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Không chỉ tập trung tuyên truyền ở các cuộc họp, cán bộ cơ sở còn đến từng nhà để giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử, mọi thắc mắc của bà con đều được giải đáp kịp thời; nhờ đó bà con đã hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ tham gia bầu cử, đặc biệt nắm được ngày tổ chức bầu cử để bảo đảm người tham gia bỏ phiếu đạt tỷ lệ cao.
Đường phố Buôn Ma Thuột được trang hoàng rực rỡ chào đón ngày bầu cử. Ảnh: Hoàng Gia |
Không chỉ riêng tại xã Ea Tu mà trên khắp các nẻo đường, tuyến phố từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa đều rực rỡ cờ hoa, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu cổ động cho ngày bầu cử được trang hoàng đẹp mắt. Các điểm niêm yết danh sách cử tri và tiểu sử tóm tắt các ứng cử viên được đặt tại các khu vực bỏ phiếu, cũng như tại các công trình sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khu vực đông người qua lại cũng được trang trí đẹp để thu hút sự quan tâm của các cử tri... Trong ngày vui này, hơn 1,2 triệu cử tri của Đắk Lắk tham gia bỏ phiếu bầu 9 ĐBQH trong số 15 ứng cử viên tại 3 đơn vị bầu cử; bầu 85 đại biểu HĐND tỉnh trong số 141 ứng cử viên và lựa chọn trong số 947 ứng cử viên HĐND cấp huyện và 9.311 ứng cử viên HĐND cấp xã để bầu ra các đại biểu HĐND ở địa phương mình.
Lá phiếu của niềm tin và kỳ vọng
Chia sẻ niềm vui khi lần đầu tiên được tham gia bầu cử, em Lê Thị Mỹ Thu, sinh viên lớp Sư phạm Anh K12, Trường Đại học Tây Nguyên phấn khởi nói: “Lần đầu tiên được cầm Thẻ cử tri để thực hiện quyền công dân, bỏ lá phiếu bầu ĐBQH và HĐND các cấp, em vô cùng hồi hộp, háo hức và cũng đầy tự hào được thực hiện quyền công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với quá trình xây dựng, phát triển đất nước. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như nghiên cứu kỹ tiểu sử các ứng cử viên, em đã lựa chọn được những người mà mình cảm thấy xứng đáng...”.
Cử tri buôn Krông A, xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) tìm hiểu thông tin ứng cử viên 4 cấp tại khu vực nhà cộng đồng buôn. |
Còn với ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ thôn 1, xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), trong những ngày qua, bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ cơ sở trong công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử, với tư cách của người cử tri ông đã tích cực tìm hiểu về tiểu sử cũng như gặp gỡ, tiếp xúc với các ứng cử viên để nắm bắt các dự kiến chương trình hành động nếu được bầu là ĐBQH, đại biểu HĐND. Ông tâm sự: “Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân có thể hiểu rõ hơn năng lực, phẩm chất của các ứng cử viên trước khi bỏ phiếu. Bản thân tôi cũng như nhiều cử tri khác rất tin tưởng và kỳ vọng vào các đại biểu mình lựa chọn. Chúng tôi cũng mong muốn và hy vọng các ứng cử viên khi trúng cử sẽ nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình trước cử tri và nhân dân...”.
Là một trong những người yêu nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc, Amí San, buôn Alê A, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) mong muốn những ứng cử viên khi trúng cử vào đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cần có những chính sách, hành động cụ thể để bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi hiện nay vẫn có tình trạng giới trẻ thờ ơ, không mặn mà với việc đánh chiêng, dệt thổ cẩm, nhất là chế tác và sử dụng các nhạc cụ truyền thống, bảo tồn nhà dài… Bên cạnh đó, do đời sống của hầu hết người dân còn khó khăn nên họ mải lo kiếm sống khiến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bị lu mờ, ngày càng rơi vào quên lãng. Chính vì vậy, bà mong muốn các ứng cử viên khi trúng cử, ngoài việc đề đạt, xây dựng chương trình hành động liên quan đến đầu tư kinh phí mở các lớp dạy nghề, đánh chiêng để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống đồng bào dân tộc thiểu số từ phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, hỗ trợ vốn sản xuất đến chế độ chính sách cho con em người dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn nhằm góp phần cải thiện cuộc sống người dân.
Có thể nhận thấy, sự mong đợi ở mỗi lá phiếu bầu được cử tri gửi gắm cũng là niềm tin, sự kỳ vọng vào các ĐBQH và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ tới sẽ làm tốt vai trò là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Niềm tin từ những lá phiếu mà cử tri gửi gắm còn là sự nhắc nhở trách nhiệm với những người trúng cử làm tốt vai trò, trọng trách của mình, góp tiếng nói cùng với Đảng, Nhà nước có thêm nhiều chính sách thiết thực phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, chủ quyền của đất nước, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, thực hiện nhất quán theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền lực đều là của dân, chính quyền từ xã đến Trung ương đều do dân cử...”.
Lan Anh - Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc