Trách nhiệm với lá phiếu
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã đến. Một trong những yếu tố hết sức quan trọng cho cuộc bầu cử thành công chính là phát huy vai trò trách nhiệm của cử tri khi tham gia bầu cử.
Tham gia xây dựng chính quyền nói chung, trong đó có bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cử tri. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn… Nó chứng tỏ chế độ dân chủ và tự do của Nhà nước ta và quyền làm chủ thật sự của mỗi công dân ta. Vì vậy, đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vừa là quyền lợi quý báu, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi cử tri". Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân và điều này đã được quy định cụ thể tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân, và bầu cử chính là thể hiện quyền công dân được chọn người thay mặt mình tham gia vào lãnh đạo cơ quan cao nhất là Quốc hội và ở địa phương là HĐND các cấp. Cuộc bầu cử lần đầu tiên được tiến hành theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 được người dân rất kỳ vọng vào những sự đổi mới, mang tính đột phá để tiếp tục đưa đất nước phát triển. Để đại biểu phát huy vai trò của mình thì việc quan trọng hàng đầu trong cuộc bầu cử này là toàn thể cử tri phải làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tròn trách nhiệm khi cầm lá phiếu đi bầu.
Để làm tròn trách nhiệm, cử tri cần phải có hiểu biết pháp luật về bầu cử. Trách nhiệm đó đã được cử tri thể hiện khi quan tâm xem xét, tìm hiểu kỹ về tiểu sử, quá trình công tác, tinh thần trách nhiệm, năng lực công tác, uy tín của từng ứng cử viên tại địa phương; khi lắng nghe và chất vấn về chương trình hành động của các ứng cử viên trong các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử. Trách nhiệm đó tiếp tục thể hiện qua việc tham gia bầu cử một cách nghiêm túc, có sự công tâm trong lựa chọn đại biểu với mục tiêu cao nhất vì lợi ích của cộng đồng và xã hội: đó là ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình để tham gia đông đủ, tránh chuyện bầu hộ, bầu thay; là chú tâm, cẩn trọng khi cầm lá phiếu, bầu đúng - bầu đủ số lượng đại biểu theo từng khu vực, tránh những lỗi khiến phiếu bầu không hợp lệ như: đánh dấu trước họ tên của ứng cử viên, viết thêm vào phiếu bầu hoặc gạch, xóa hết tên trong phiếu bầu....
Trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, khi đề cập đến việc có tình trạng một số trường hợp đã lợi dụng kích động, xúi giục người dân không đi bầu cử, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã nhắn gửi người dân là có thể gặp khó khăn ngắn hạn cần suy nghĩ tiếp, nhưng không nên vì bức xúc một việc trong thời điểm hiện tại mà từ bỏ quyền thiêng liêng của mình là chọn ra lãnh đạo của đất nước, của địa phương trong 5 năm tới. Các đại biểu được bầu của các cơ quan quyền lực Nhà nước từ Trung ương đến địa phương sẽ thay mặt người dân quyết định các vấn đề về đối nội, đối ngoại, an ninh, quốc phòng, đặc biệt là các chủ trương, chính sách, giải pháp về phát triển kinh tế - xã hội nhằm phục vụ cho chính lợi ích của người dân. Nếu cử tri thờ ơ hoặc để người khác bầu thay là đã từ chối một trong những quyền rất quan trọng đã được hiến định và luật định, sẽ ảnh hưởng phần nào đến kết quả cuộc bầu cử và ảnh hưởng đến chính quyền lợi của cử tri ấy. Cho nên, vì tương lai của chính mình, cử tri hãy làm tròn trách nhiệm công dân, có ý thức trong sử dụng lá phiếu để bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất .
Ngọc Hoa
Ý kiến bạn đọc