Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo chăm lo đời sống người có công

07:50, 26/07/2017

Mặc dù kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, huyện Ea H’leo đã làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người có công.

Huyện Ea H’leo hiện có 1.573 người có công, gia đình liệt sỹ, trong đó, liệt sỹ và thân nhân thờ cúng liệt sỹ 426 trường hợp; thương, bệnh binh 344 trường hợp; người hoạt động kháng chiến và bị địch bắt tù đày 638 trường hợp; người bị nhiễm chất độc hóa học 42 trường hợp… Bên cạnh thực hiện đầy đủ chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa được địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức, có sức lan tỏa trong toàn xã hội. Các đối tượng thương, bệnh binh nặng và thân nhân liệt sỹ già yếu, cô đơn luôn nhận được quan tâm đặc biệt. Trong những dịp lễ, tết địa phương đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên lúc đau ốm và tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế. Nhờ đó, hầu hết gia đình chính sách có cuộc sống vật chất ổn định và tinh thần thoải mái. Nhiều người có công không trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước mà chủ động vươn lên trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi và nuôi dạy con cái thành tài, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea H'leo thăm hỏi người có công với cách mạng trên địa bàn huyện.
Cán bộ Phòng LĐ-TB & XH huyện Ea H'leo thăm hỏi người có công với cách mạng trên địa bàn huyện.

Để tạo nguồn lực chăm lo cho người có công, giai đoạn 2012 – 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện đã vận động được hơn 2,9 tỷ đồng từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn. Bên cạnh đó, bằng những nguồn lực khác, địa phương đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa 120 căn nhà, trao tặng 137 số tiết kiệm cho người có công, xây dựng, tu bổ nhiều nghĩa trang, đài tưởng niệm và bia ghi danh liệt sỹ. Đối với công tác giải quyết tồn đọng sau chiến tranh và chính sách cho người có công với cách mạng, huyện đã giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng hằng năm cho thân nhân liệt sỹ 265 trường hợp, chế độ cho người tham gia kháng chiến được tặng Huân, huy chương và bị địch bắt tù đày 30 trường hợp, chế độ mai táng phí cho người có công, thân nhân liệt sỹ, cựu chiến binh 173 trường hợp, chế độ cho đối tượng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học 9 trường hợp…, tổng kinh phí chi trả hơn 4,6 tỷ đồng.

Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng chung tay chăm lo cho người có công. Đơn cử như Phòng giao dịch Ea H’leo thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Đắk Lắk đã ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của huyện mỗi năm hàng chục triệu đồng; hỗ trợ xây dựng 2 nhà Tình nghĩa cho người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, tổng kinh phí 100 triệu đồng. Riêng trong năm nay, đơn vị cũng phối hợp với huyện xây dựng nhà mới cho người có công tại xã Ea Sol và dự kiến bàn giao trong dịp kỷ niệm 70 Ngày Thương binh Liệt sỹ 27-7-2017.

Bên cạnh hỗ trợ, chăm lo cho người có công, huyện Ea H’leo cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên thương, bệnh binh luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Tiêu biểu cho tinh thần “Thương binh tàn nhưng không phế”, phải kể đến trường hợp cựu chiến binh Phạm Trọng Phơ (tổ dân phố 3, thị trấn Ea Drăng). Ông từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, ông trở về với chất độc hóa học trong cơ thể, sức khỏe bị ảnh hưởng 81%. Thế nhưng người lính quân y năm xưa vẫn tiếp tục đóng góp nhiều năm cho ngành y tế huyện và nuôi các con ăn học đàng hoàng, trong đó, người con đầu bị ảnh hưởng chất độc hóa học vẫn tốt nghiệp ngành Âm nhạc, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Đắk Lắk. Bên cạnh đó, ông còn vận động bà con giữ gìn vệ sinh, an ninh trật tự, tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và đóng góp tiền, ngày công làm đường giao thông…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.