Multimedia Đọc Báo in

Về buôn Akô Dhông thưởng thức cà phê truyền thống

11:09, 29/10/2019

Từ lâu, quán cà phê Arul nằm giữa buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành điểm hẹn ấn tượng không chỉ bởi quán có cảnh quan hữu tình, nên thơ mà nếu may mắn du khách sẽ được trải nghiệm quy trình chế biến, pha chế cà phê độc đáo của đồng bào Êđê do chính tay chủ quán H’Len Niê, một người luôn khát khao gìn giữ và bảo tồn bản sắc của cha ông để lại.

Chị H’Len cho biết, ngày trước mọi người trong buôn Akô Dhông đều biết cách chế biến cà phê truyền thống, nhưng hiện nay hầu như không còn gia đình nào thực hiện nữa. Thế nên những lúc không bận quá nhiều công việc chị vẫn thực hiện cách pha cà phê truyền thống để phục vụ du khách và quan trọng hơn là gìn giữ một nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức cà phê và giao lưu văn nghệ với chị H'Len - chủ quán cà phê Arul.
Du khách nước ngoài thích thú thưởng thức cà phê và giao lưu văn nghệ với chị H'Len - chủ quán cà phê Arul.
 

Đến với quán cà phê Arul, thưởng thức cách uống cà phê độc đáo ở đây, cũng như được giao lưu văn nghệ với những bài hát mang đậm văn hóa của người dân bản địa quả là một trải nghiệm thú vị. Nhất định, nếu có dịp tôi sẽ ghé lại để tìm hiểu sâu hơn về văn hóa ở đây”.

 

Ông George Harrison, du khách Anh

Theo chị H'Len, để chuẩn bị cho việc chế biến cà phê, người pha chế sẽ chọn những hạt cà phê tốt nhất, sau đó sàng, sảy để lựa ra những hạt đồng đều nhau rồi mang đi rang. Việc rang cà phê được thực hiện trên bếp lửa trong ngôi nhà dài. Công đoạn này thường mất khá nhiều thời gian, đầu tiên phải để lửa lớn cho nóng chảo, rồi cho ngay hạt cà phê vào đảo thật nhanh và liên tục.

Đến khi hạt cà phê bắt đầu nóng thì người rang cho nhỏ lửa rồi rang chậm lại nhưng phải đều tay. Hạt cà phê chín và đạt chuẩn phải có mùi thơm, màu nâu đen, khi cắn thì hạt vỡ giòn. Hạt cà phê sau khi rang chín sẽ được cho vào cối giã thật kỹ đến khi mịn là có thể dùng để pha cà phê. Cà phê sau khi được giã mịn thường được bảo quản trong những quả bầu khô để giữ lại hương vị, khi pha thì cho vào một túi lọc rồi chần qua nước nóng (khoảng 80oC), sau đó rót vào ly thưởng thức…“Để tăng thêm hương vị cho cà phê, có lúc người ta thường cho thêm ít mỡ gà, muối, rượu hoặc bơ. Đây chính là nét độc đáo khi chế biến cà phê theo cách của đồng bào Êđê”- chị H’Len chia sẻ.

Đến quán cà phê Arul du khách không chỉ được thưởng thức ly cà phê truyền thống mà còn được tận mắt tìm hiểu nhiều hiện vật, cùng những câu chuyện về văn hóa Tây Nguyên do chị H’Len dày công sưu tập và gìn giữ, từ đó tái hiện sinh động không gian sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Êđê trong ngôi nhà dài của gia đình mình…

Chị H'len Niê đang chế biến cà phê theo cách truyền thống của đồng bào Ê đê.
Chị H'len Niê đang chế biến cà phê theo cách truyền thống của đồng bào Ê đê.

Cuộc sống hiện đại đã sáng tạo ra nhiều cách pha chế các loại sản phẩm cà phê khác nhau, nhưng đối với đồng bào Êđê, từ cách chế biến, thưởng thức cà phê truyền thống của mình luôn mang lại những giá trị riêng biệt. Chị Nguyễn Lan Anh, du khách đến từ Hà Nội cho rằng: “Trải nghiệm cà phê theo phong cách truyền thống của người Êđê không chỉ ngồi nhâm nhi bên tách cà phê mà đã giúp tôi hiểu rõ hơn về những công đoạn chế biến rất công phu và bài bản của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ và những giá trị văn hóa này rất cần được gìn giữ, trân trọng để ngày càng vun đắp cho sự phát triển của văn hóa cà phê trên địa bàn Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung”.

Gia Thịnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.