Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp ở Lễ hội Cà phê

07:59, 24/03/2019
Tham gia Hội chợ - Triển lãm Chuyên ngành cà phê được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, các gian hàng của cộng đồng Starup Đắk Lắk đã mang đến cho Lễ hội năm nay thêm phong phú, đa dạng với nhiều sản phẩm mới được chế biến từ các loại nông – lâm sản, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh và du khách quốc tế.
 
Một trong những sản phẩm đó là Macca Đắk Lắk Nguyên Phương (sản phẩm đoạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp, Khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018) thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng.
 
Nguyễn Thị Thu Phương, cô chủ nhỏ của thương hiệu Macca Đắk Lắk Nguyên Phương cho biết:  “Trong 5 ngày tham gia trưng bày, triển lãm sản phẩm tại Hội chợ, ngoài số sản phẩm được tiêu thụ, cơ hội lớn hơn cho chúng tôi là đã có nhiều đối tác quan tâm, muốn hợp tác phân phối. Trong đó, có 4 đại lý muốn hợp tác để phân phối và 2 doanh nghiệp đặt vấn đề hợp tác kết hợp nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới. Ngoài ra, khi tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh, tôi nhận thấy là Đắk Lắk ngoài cà phê ra còn có rất nhiều thế mạnh khác chưa được đầu tư và khai thác. Thông qua các buổi kết nối đầu tư như vậy sẽ mở ra nhiều hội cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp mới, cá nhân khởi nghiệp được tiếp xúc và học hỏi các mô hình kinh doanh hiệu quả. Qua hội nghị xúc tiến đầu tư này, tôi thấy có động lực hơn trong nỗ lực xây dựng, đầu tư hoàn thiện các sản phẩm của doanh nghiệp mình để có thể định vị thương hiệu, trở thành sản phẩm thế mạnh của quê hương”.
 
Các sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019.
Các sản phẩm khởi nghiệp được trưng bày, giới thiệu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đắk Lắk năm 2019.
Cùng với Macca Đắk Lắk Nguyên Phương, nhiều du khách, nhất là du khách đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản tỏ ra thích thú với sản phẩm Trà mãng cầu Nguyễn Văn. Đây là sản phẩm đoạt giải Ba cuộc thi Khởi nghiệp, Khởi sự kinh doanh tỉnh Đắk Lắk năm 2018. Được làm từ 100% là trái mãng cầu tươi, loại trà này ngoài tác dụng dùng giải khát còn có tác dụng rất tốt cho việc bài tiết độc tố trong cơ thể, giúp giải độc gan, hạ men gan, giảm mỡ máu, hỗ trợ trong điều trị bệnh tiểu đường và các triệu chứng của bệnh đường tiết niệu…
 
 “Bên cạnh phát triển dòng cà phê đặc sản, tỉnh cũng đang có chủ trương thúc đẩy, khuyến khích phát triển nhiều dòng sản phẩm khác, trong đó đặc biệt quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự kinh doanh nhằm tạo ra những sản phẩm mới góp phần làm phong phú thêm sản vật địa phương.” – Ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh.
 
 
 

Anh Nguyễn Văn Sơn, chủ thương hiệu Trà mãng cầu Nguyễn Văn chia sẻ, bình quân mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt khách tham quan, tìm hiểu và thưởng thức trà miễn phí tại gian hàng. Trong 5 ngày tham gia Hội chợ Triển lãm, ngoài việc bán được 500 sản phẩm, Trà Nguyễn Văn còn được một số đối tác ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác phân phối.

Còn với Cốm nghệ Huvahi, dòng sản phẩm đầu tiên và duy nhất tại thị trường Việt Nam được bào chế từ tinh bột nghệ nguyên chất dưới dạng sợi cốm, tham gia Lễ hội Cà phê lần này cũng đã gặt hái nhiều cơ hội trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
 
Theo chị Trần Nhật Anh, một thành viên của team khởi nghiệp cốm nghệ, tại Lễ hội có 5 đối tác, trong đó có 1 đối tác đến từ Mỹ tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác phân phối sản phẩm. Ngoài ra, được tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh, bản thân chị có cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, từ đó có thể tìm kiếm cơ hội để hợp tác trong sản xuất, phân phối, làm thương hiệu... Đồng thời qua đó cũng nhận thấy tiềm năng phong phú của tỉnh, tạo cơ hội cho doanh nghiệp có thể khởi nghiệp trên chính quê hương của mình. Đây cũng chính là động lực để thúc đẩy những người trong cộng đồng khởi nghiệp của tỉnh tiếp tục cố gắng để tạo nên chuỗi giá trị cho nhiều nông sản trên địa phương.
 
Chia sẻ về những kế hoạch trong thời gian sắp tới, Trần Nhật Anh cho biết thêm: “Tại lễ hội chúng tôi  cũng được kết nối với đoàn Malaysia, đã gặp và trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến hợp tác sản xuất và phân phối sản phẩm. Sắp đến team Cốm nghệ sẽ cố gắng kết nối với các hội chợ thương mại quốc tế, nhất là ở Hàn Quốc, Malaysia... để quảng bá sản phẩm cũng như góp phần giới thiệu về những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà”.
 
Lê Hương
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.