Multimedia Đọc Báo in

Nhà nông mong gì ở Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột?

17:00, 11/03/2019

Là chủ thể, người trực tiếp làm ra hạt cà phê - nông dân - họ mong gì trong mỗi mùa Lễ hội?

Mong mỏi của những người “một nắng hai sương” làm ra hạt cà phê không gì khác ngoài sự yên tâm về giá, sự liên kết chặt chẽ hơn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, vốn để tái canh cà phê...

Anh A Loan (dân tộc Bana, đến từ huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai): Mong một mức giá tốt hơn cho người trồng cà phê

Anh A Loan (đến từ huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)
Anh A Loan 

Hay tin Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 diễn ra, anh thu xếp công việc để đến tham quan, bởi đây là cơ hội để anh tìm hiểu rõ hơn và có thêm nhiều thông tin bổ ích cho việc trồng, chăm sóc vườn cà phê của mình. Đến đây, anh biết nhiều hơn về cách thức tưới, bón phân cho vườn cây. Xưa nay anh cứ nghĩ bón phân nhiều cho cây là tốt, nhưng việc bón đúng cách, hợp lý còn quan trọng hơn. Tương tự, thay vì tưới một lần nhiều nước cho một gốc cây thì anh sẽ chia thành nhiều đợt tưới, việc làm này giúp nước sẽ thẩm thấu từ từ và rễ cây hút nước tốt hơn. Cùng với kinh nghiệm có sẵn, cộng với những kiến thức mới vừa “thu nhặt” được, nhất định anh sẽ áp dụng cho vườn cây của mình với hy vọng mang lại năng suất và sản lượng cao hơn năm trước.

Tuy nhiên, anh mong mỏi có được mức giá tốt để bảo đảm đời sống cho người trồng cà phê. Bởi trên thực tế, trồng cà phê như hiện nay, nhà nông không thể làm giàu được. Một tấn cà phê nhân chỉ thu về từ 32-35 triệu đồng thì không thể bù được chi phí sản xuất, trong khi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuê nhân công thu hoạch ngày càng tăng cao, nên thậm chí, người trồng cà phê còn đang bị lỗ vốn. Điều này khiến nông dân như anh đang gặp khó khăn chồng chất...

Chị Trần Thị Sen (xã Ea Hu, huyện Cư Kuin): Đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ sản phẩm

Chị Trần Thị Sen, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin
Chị Trần Thị Sen

Đầu tư cho vườn cây cà phê 2 ha của mình, thay vì dùng phân hóa học thì 3 năm trở lại đây chị tự ủ phân làm từ xác cá để bón cho cây. Nguồn cá này được chị tận dụng, thu gom tại địa phương, phần khác chị cũng dành một diện tích mặt nước nhất định trong rẫy để nuôi cá. Theo tính toán của chị, một năm bón 3 đợt hết khoảng hơn 2 tấn phân nhưng sử dụng phân bón từ xác cá chi phí chỉ bằng một nửa so với phân bón thông thường, song chất lượng được cải thiện thấy rõ, quả chín mọng, đều, năng suất cũng đạt cao hơn.

Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 diễn ra, chị đến để tiếp tục tìm hiểu nhiều hơn về các loại chế phẩm sinh học để bón cho vườn cây thay thế cho phân bón hóa học nhằm tiết giảm phí đầu tư và cho ra sản phẩm chất lượng, an toàn.

Song chị vẫn mong có sự liên kết giữa nhà nông - người sản xuất như chị với thương nhân để đầu ra ổn định, với mức giá tốt cho những sản phẩm đạt chất lượng thật sự. Chẳng hạn, trên diện tích cà phê trồng được chị sử dụng chế phẩm sinh học, thu hái bảo đảm độ chín đạt trên 80% thì vẫn bán ra theo cách thông thường cho lái buôn thu mua tại địa phương, với mức giá “cào bằng” ngang với vườn cà phê được chăm sóc theo kiểu truyền thống. Ngược lại, nếu có được mức giá tốt hơn thì sẽ kích thích nhiều nông dân chịu khó đầu tư “làm nông có kỹ thuật", khuyến khích được họ tiếp cận với phương thức canh tác mới mang lại hiệu quả cao hơn, đặt sức khoẻ người tiêu dùng lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Minh (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo): Nông dân cần hỗ trợ vốn để tái canh cà phê

Anh Trần Văn Minh (thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo)
Ông Nguyễn Văn Minh

Tái canh cà phê đang là vấn đề trăn trở của ông cũng như nhiều nông dân trên địa bàn hiện nay. Bởi vườn cây hơn 1,5 ha của gia đình ông trồng hơn 13 năm hiện đã già cỗi, cho năng suất kém, chỉ đạt hơn 1,5 tấn/ha, kém cả về chất lượng lẫn sản lượng. Điều đáng bàn là việc tái canh cà phê đòi hỏi vốn lớn, rủi ro lại cao. Bởi giá cà phê đang xuống quá thấp, trong khi nếu tính toán sơ bộ, để tái canh 1 ha cà phê cần khoảng hơn 100 triệu đồng, trong khi đó phải bỏ ra ít nhất 3 năm không có nguồn thu.

Tái canh là việc nhất định phải làm. Nhưng khó khăn lớn nhất đối với người trồng cà phê như ông là vốn. Hiện tại, người trồng cà phê “thu không đủ bù chi” thì lấy đâu ra vốn để tái canh. Trong khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho tái canh cà phê lại khó tiếp cận... Ông mong mỏi Nhà nước có cơ chế hỗ trợ phù hợp để “gỡ khó” cho nhà nông trong bối cảnh hiện tại nhằm hỗ trợ nông dân trong việc khôi phục vườn cây.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.