Multimedia Đọc Báo in

Bác Hồ với bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp

08:32, 25/05/2021

Sinh thời, Bác Hồ đã từng căn dặn: “Bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là cuộc vận động chính trị quan trọng nhằm phát huy vai trò làm chủ thực sự của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân…”. Do vậy, các cuộc vận động, tổ chức bầu cử phải được chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Lần đầu tiên Tổng tuyển cử bầu Quốc hội

Ngay sau ngày tuyên bố độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945), ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẩn cấp triệu tập phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời nhằm bàn thảo những vấn đề cấp bách cần phải được giải quyết.

 

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai (28-10  -  9-11-1946) bầu ra. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được Quốc hội khóa I, kỳ họp thứ hai (28-10 - 9-11-1946) bầu ra. (Nguồn: Tư liệu TTXVN)

 

Tại phiên họp này, Người đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần thiết là phải thực hiện ngay cuộc Tổng tuyển cử theo chế độ phổ thông đầu phiếu trong toàn dân để bầu Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân nhằm xây dựng một Nhà nước thật sự tự do, dân chủ, có đầy đủ quyền lập hiến, lập pháp, thuận tiện trong việc đối nội và đối ngoại… Bởi theo Người: “Từ xưa đến nay, toàn quốc chưa bao giờ tuyển cử, vì xưa dân chưa bao giờ làm chủ mình, xưa dân phải nghe theo lời vua quan, sau phải nghe thực dân Pháp, Nhật… Ta phải hy sinh nhiều mới có quyền cầm được lá phiếu, mới đòi hỏi được quyền bầu cử... Phải tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu và ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ”.

Chỉ đúng một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời ký sắc lệnh số 14/SL (8-9-1945) về việc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Sắc lệnh nêu rõ: “Nhân dân Việt Nam do quốc dân đại hội thay mặt là quyền lực tối cao để ấn định cho nước Việt Nam một Hiến pháp dân chủ Cộng hòa. Trong tình thế hiện giờ, sự triệu tập quốc dân đại hội là rất cần thiết để cho toàn dân tham gia vào công cuộc củng cố  nền độc lập chống ngoại xâm”.

Tiếp đến, ngày 20-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34/SL về việc thành lập Ủy ban Dự thảo thể lệ Tổng tuyển cử. Trong những ngày gian khó, phức tạp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết nhiều vấn đề trọng đại về quốc kế dân sinh, trong đó công tác bầu cử Quốc hội được đưa ra thành chương trình nghị sự quan trọng của Đảng, Chính phủ nhằm kịp thời khẳng định sự hợp hiến, hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước những thế lực đang rắp tâm chống phá thành quả cách mạng Việt Nam. Vì thế, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đã được chuẩn bị hết sức khẩn trương, chu đáo trên khắp cả nước.

Do lần đầu tiên cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành, nhân dân còn nhiều bỡ ngỡ nên Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động đợt tuyên truyền, vận động cử tri một cách sâu rộng nhằm giúp nhân dân hiểu biết về ý nghĩa, mục đích, quyền lợi của mình trong Tổng tuyển cử. Người đã viết nhiều bài báo kêu gọi, tuyên truyền, động viên nhân dân đi bầu cử, thực hiện quyền công dân của nước Việt Nam độc lập. Đặc biệt, một ngày trước khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử, Người đã có Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu đăng trên báo Cứu Quốc (số 134, ngày 5-1-1946).

Qua cuộc Tổng tuyển cử, Quốc hội khóa đầu tiên ra đời, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ của nước Việt Nam độc lập, là cơ sở pháp lý cần thiết cho hoạt động đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trong và ngoài nước.

Xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân”

Cùng với việc tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Việt Nam, công việc xây dựng chính quyền cơ sở và bầu cử đại biểu của nhân dân vào Hội đồng các cấp ở địa phương cũng rất được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi trọng.

Ngay từ những ngày đầu độc lập, Người rất quan tâm tới việc xây dựng hệ thống chính quyền ở các cấp địa phương. Trong bài viết “Cách thức tổ chức các Ủy ban nhân dân” đăng trên báo Cứu quốc (11-9-1945), Người chỉ ra rằng: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức chính phủ địa phương, phải chọn trong đó những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi của dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo nhân dân tín nhiệm. Nhất thiết không thể nhờ tiền tài, hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào đó được”. Ngày 25-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 152/SL quy định về thể lệ bầu cử vào Ủy ban hành chính kháng chiến. Ngày 25-5-1950, Người lại ký Sắc lệnh số 80/SL về việc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh, huyện và xã. Đặc biệt, Người luôn nhắc nhở, xác định nhiệm vụ của bộ máy công quyền từ Trung ương đến địa phương rằng: “Chính phủ là công bộc của dân và công việc của chính phủ đều nhằm vào mục đích duy nhất là mưu cầu hạnh phúc, tự do cho mọi người, cho nên chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy”.

 

Cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946).  Ảnh tư liệu
Cử tri đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 6-1-1946). Ảnh tư liệu

 

Để xứng đáng là người đại biểu của dân, là công bộc của dân, các cán bộ của chính phủ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất và năng lực cách mạng của mình. Điều này được thể hiện rõ trong thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (tháng 10-1945), Người viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp - Nhật. Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân ta phải hết sức tránh…”.

Trải qua 75 năm với 14 khóa Quốc hội, tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức Nhà nước, về Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp mà Người đề ra vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình vận động, tổ chức thực hiện các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.    

Nguyễn Đình Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.