Multimedia Đọc Báo in

Cử tri trẻ hướng về ngày bầu cử

08:36, 21/05/2021

Những ngày này, những cử tri trẻ tuổi lần đầu tiên tham gia cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đang háo hức, đón chờ để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, trực tiếp bầu ra người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân vào cơ quan quyền lực Nhà nước các cấp.

Kỳ vọng của cử tri trẻ

Mặc dù khá bận rộn chuẩn bị cho thi cuối kỳ nhưng em Đỗ Xuân Việt, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên vẫn dành thời gian đến tham dự Diễn đàn Cử tri trẻ với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Ngoài việc được thông tin những nội dung trọng tâm về cuộc bầu cử, Xuân Việt và hơn 150 cử tri trẻ tham gia diễn đàn đã cùng trao đổi, bày tỏ những thắc mắc về những vấn đề liên quan khi đi bầu cử.

Việt chia sẻ: “Nắm rõ quy trình bỏ phiếu bầu cử sẽ giúp cử tri, nhất là các bạn trẻ lần đầu đi bỏ phiếu như em đảm bảo việc thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Em đã tìm hiểu kỹ lý lịch của từng ứng cử viên để đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày bầu cử và mong rằng, trong nhiệm kỳ mới, các đại biểu được bầu chọn sẽ nỗ lực thực hiện đúng theo chương trình hành động đã trình bày, giúp địa phương khởi sắc hơn. Đặc biệt là quan tâm hơn nữa đến thế hệ trẻ tỉnh nhà, có nhiều kế sách hỗ trợ về học tập, tạo việc làm sau khi ra trường, lập nghiệp, khởi nghiệp…”.

Cử tri trẻ nêu những thắc mắc về quy trình bỏ phiếu bầu cử.
Cử tri trẻ nêu những thắc mắc về quy trình bỏ phiếu bầu cử.

Cũng là lần đầu tiên được tham gia vào ngày hội lớn của đất nước, sinh viên Hà Quang Tú (Trường Đại học Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Hiểu được tầm quan trọng của mỗi lá phiếu, em càng nhận thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình. Em hy vọng phiếu bầu của mình có thể góp phần lựa chọn được những đại biểu thực sự tâm huyết, là người có kiến thức, hiểu biết sâu rộng; có phẩm chất đạo đức tốt, luôn nghĩ đến lợi ích của toàn dân và dám đấu tranh bảo vệ cái tốt, chống lại cái xấu, tiêu cực”.

Trách nhiệm với lá phiếu bầu

Háo hức xen lẫn hồi hộp là tâm trạng chung của nhiều cử tri trẻ sẽ lần đầu tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhằm giúp các bạn tự tin thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến những nội dung liên quan đến cuộc bầu cử thông qua nhiều hình thức sinh động.

Các tổ chức cơ sở đoàn đều thành lập đội hình thanh niên tình nguyện tại địa phương, bảo đảm tất cả các điểm bầu cử đều có lực lượng hỗ trợ công tác bầu cử, đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, hướng mạnh vào các cử tri trẻ lần đầu tham gia bầu cử. Trên hệ thống các trang mạng xã hội, công tác tuyên truyền bầu cử được các tổ chức đoàn và cán bộ, đoàn viên thực hiện tích cực, liên tục cập nhật, chia sẻ các nội dung về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; quy trình về giới thiệu người ứng cử; quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri; thành tựu của Quốc hội và HĐND các cấp qua các thời kỳ ...

Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên hướng dẫn cử tri trẻ những nội dung liên quan đến bầu cử.
Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên hướng dẫn cử tri trẻ những nội dung liên quan đến bầu cử.

Đáng chú ý là Diễn đàn Cử tri trẻ với cuộc bầu cử được tổ chức trên địa bàn toàn tỉnh nhằm tuyên truyền sâu rộng đến đoàn viên thanh niên, đặc biệt là những cử tri trẻ đủ 18 tuổi lần đầu tiên đi bầu cử nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử; thấy rõ vị trí, vai trò của Quốc hội, HĐND, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; giúp đoàn viên thanh niên nắm vững quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chị Phan Thị Trinh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Thông qua việc triển khai, huy động lực lượng trẻ tổ chức các hoạt động hướng về ngày bầu cử, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn mong muốn tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị trong tuổi trẻ toàn tỉnh để đoàn viên thanh niên tự giác, tích cực, chủ động đi bầu cử, góp phần vào sự thành công của cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm”.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.