Multimedia Đọc Báo in

Lá phiếu niềm tin và kỳ vọng

08:46, 21/05/2021

Ngày 23-5-2021, cử tri cả nước hân hoan, phấn khởi tham gia "Ngày hội non sông" – bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Niềm tin và kỳ vọng của cử tri được gửi trọn vào lá phiếu để chọn ra những người có đức, có tài, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tất cả vì sự phát triển của đất nước, của tỉnh.

Ðồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk:

Người đại biểu dân cử cần giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về cuộc bầu cử cũng như các ứng cử viên, tôi rất phấn khởi khi thấy có nhiều người trẻ tuổi, trình độ học vấn cao tham gia ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tôi hy vọng các đại biểu trúng cử sẽ có nhiều ý kiến đóng góp vào những quyết sách trong tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng đất nước cũng như địa phương ngày càng phát triển.

Để xứng đáng là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, đại biểu dân cử cần giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhân dân để kịp thời lắng nghe, tiếp thu các ý kiến góp ý, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và phản ánh tới cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết theo đúng quy định. Người đại biểu dân cử cũng cần phải đặt lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết. Trước khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đại biểu cần lắng nghe, tìm hiểu, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, của nhân dân để hiểu biết sâu sắc về vấn đề, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất. Thực tiễn vẫn còn một số vấn đề bất cập, cử tri quan tâm, đòi hỏi các vị đại biểu phải tham gia, đóng góp ý kiến tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, chủ trương để làm sao bám sát thực tiễn, hợp lòng dân…

Ông Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục - Ðào tạo:

Nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục và đào tạo

Là một cán bộ từng công tác trong ngành giáo dục – đào tạo, tôi luôn chú ý đến các vấn đề liên quan đến giáo dục của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Qua theo dõi, tôi nhận thấy những năm qua Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm, đầu tư cho giáo dục - đào tạo. Điều này được thể hiện qua việc hạ tầng cơ sở về giáo dục từng bước được hoàn thiện từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới; đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được nâng lên về chất lượng; nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải cao tại các kỳ thi khu vực, quốc gia và quốc tế; các chương trình phổ cập tiểu học, THCS đã đạt được kết quả tốt...

Trong cuộc bầu cử lần này, tôi đặt trọn niềm tin và mong muốn những người trúng cử ĐBQH, HĐND các cấp sẽ góp tiếng nói để cùng với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo mang tính bền vững. Trong đó kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực trong giáo dục; từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, đổi mới phương pháp giáo dục; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học; đồng thời cần có chính sách cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ những người làm giáo dục để họ yên tâm công tác và cống hiến…

Ông Bùi Huy Ngoạn (83 tuổi;cử tri ở thôn 6A, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar):

Phát huy được vai trò, tiếng nói của người đại biểu dân cử

Từ Tổng tuyển cử năm 1946 bầu ra Quốc hội đầu tiên đến nay, nhân dân ta đã nhiều lần tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Tôi thấy, các vị ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp ngày càng trưởng thành, có trình độ, hiểu biết trên nhiều lĩnh vực. Các vị đã thẳng thắn trao đổi, phát biểu ý kiến, chất vấn trước diễn đàn của Quốc hội, Chính phủ, đóng góp trí tuệ, tâm huyết trong quá trình ban hành pháp luật, chính sách phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Công cuộc đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và quá trình hội nhập, đất nước ta đã thu được những thành tựu quan trọng nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội và HÐND các cấp, phải thể hiện tầm cao trí tuệ, có trách nhiệm đầy đủ với nhân dân và đất nước. Kế thừa truyền thống và thành quả đó, tôi mong muốn các vị ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri, hướng về cơ sở. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình tại nghị trường, không ngừng học tập, nghiên cứu, trau dồi, hoàn thiện bản thân để có vốn kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực mình phụ trách. Có như vậy, các đại biểu mới đủ trình độ tranh luận, chất vấn, nêu được những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” của đất nước, của tỉnh để cùng với Quốc hội, Chính phủ, địa phương giải quyết, tháo gỡ.

Ông Y Hiền Niê, Bí thư Chi bộ buôn Adrơng Ðiết (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk):

Tích cực tham gia xây dựng cơ chế, chính sách gắn liền với thực tiễn, hợp lòng dân

 Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, người dân ở khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên thực tế vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Tôi rất vui khi thấy nhiều người trẻ tuổi, có năng lực và trình độ học vấn cao tham gia ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chúng tôi kỳ vọng các đại biểu trúng cử sẽ phát huy hết vai trò, trách nhiệm tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình xây dựng cơ chế, chính sách, bám sát thực tiễn, hợp lòng dân, hỗ trợ khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để có điều kiện phát triển một cách đồng đều, vượt trội hơn nữa.

Để xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, người đại biểu dân cử cần giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết, kịp thời lắng nghe chính xác, đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, nhân dân, phản ánh tới cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết đúng quy định của pháp luật. Trước khi quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương thì đại biểu cần biết lắng nghe đa chiều, có sự chọn lựa sáng suốt, hiểu vấn đề, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, của nhân dân để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

 

Binh nhì Lê Anh Việt, Tiểu đoàn Huấn luyện cơ động, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh:

Các ĐBQH, HĐND các cấp cần cam kết thực hiện đúng chương trình hành động đề ra

Binh nhì Lê Anh Việt (người đầu tiên) huấn luyện  ngoài thao trường.
Binh nhì Lê Anh Việt (người đầu tiên) huấn luyện ngoài thao trường.

Tôi rất háo hức chờ đợi đến ngày bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để lần đầu tiên được bỏ lá phiếu bầu ra những đại biểu ưu tú nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Trước đó, ở đơn vị tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về danh sách, chương trình hành động của những ứng cử viên ĐBQH và HĐND các cấp để xác định, lựa chọn những đại biểu mình tín nhiệm. Tôi kỳ vọng các đại biểu luôn ý thức trách nhiệm, xứng đáng với sự tín nhiệm của cử tri, phát huy trí tuệ, cam kết thực hiện đúng theo chương trình hành động đã xây dựng, đóng góp hiệu quả, tích cực vào công tác lập pháp, đề xuất những chủ trương, chính sách đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Bên cạnh đó qua theo dõi hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh tôi rất ấn tượng, vui mừng khi những vấn đề cử tri, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đều được các đại biểu thẳng thắn đề cập, được giải trình nghiêm túc, rõ ràng, thuyết phục cử tri. Vì vậy tôi kỳ vọng hoạt động chất vấn ở các kỳ họp Quốc hội khóa XV, HĐND tỉnh, địa phương sẽ tiếp tục đổi mới, đi vào trọng tâm, trọng điểm, ngày càng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

 

Ông Y Mui Niê, Trưởng buôn Yang Reh (xã Yang Reh, huyện Krông Bông):

Đại biểu phải là “cầu nối” giữa ý Đảng - lòng dân

Bản thân tôi và những người dân buôn Yang Reh rất phấn khởi, vui mừng và tin tưởng vào cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Tôi mong muốn rằng, những người trúng cử sẽ có lối sống tốt, trong sáng, lành mạnh, đặc biệt là biết thương dân, lo cho dân và là “cầu nối” giữa ý Đảng - lòng dân, xứng đáng là người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, sâu sát với người dân, góp phần giúp nhân dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Từ đó, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Dù vậy, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn cao. Chính vì vậy, tôi mong muốn sau khi trúng cử, ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số để phản ánh với các cấp, các ngành chức năng nhằm kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn. Từ đó, đề xuất những chương trình, dự án đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống cho nhân dân.

 

Ông Y Guk Bkrông, quản nhiệm Hội thánh Tin lành buôn Păn A, B (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc):

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Tôi rất vui mừng khi thấy qua mỗi kỳ bầu cử, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh ta đều có những đổi thay rõ rệt, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Đời sống của người dân nói chung, đồng bào có đạo nói riêng ngày càng được cải thiện. Đảng, Nhà nước, lãnh đạo địa phương đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích và cùng đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh.

Là người có uy tín, tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia bầu cử. Tôi rất phấn khởi, tin tưởng vào sự thành công của cuộc bầu cử lần này. Tôi hy vọng rằng, với sự đồng thuận của cử tri cả nước, các vị ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đóng góp xây dựng quyết sách hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước, địa phương và các buôn làng. Trong đó, tôi mong các đại biểu dành nhiều sự quan tâm phản ánh để Quốc hội, Chính phủ có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, tạo việc làm, dạy nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, tìm “đầu ra” và ổn định giá cả cho nông sản. Tôi cũng rất mong Quốc hội, Chính phủ, tỉnh quan tâm xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tinh thần thi đua yêu nước của nhân dân.

 

Ông Đặng Đình May, dân tộc Cao Lan (Sán Chay), Bí thư Chi bộ thôn 12, xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc):

Tiếp tục quan tâm phát triển toàn diện  vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong nhiệm kỳ qua, Đảng, Quốc hội và Nhà nước luôn quan tâm tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều chính sách quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa được đầu tư xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Trong kỳ bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, chúng tôi rất phấn khởi và tin rằng sẽ lựa chọn được những đại biểu có đức, có tài đại diện cho ý chí và nguyện vọng của toàn dân.

Từ các chương trình hành động, tôi thấy các ứng cử viên đều có phương hướng cụ thể, rõ ràng, gắn với quyền lợi của cử tri. Tôi mong nhiệm kỳ tới, các ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sau trúng cử sẽ luôn giữ mối quan hệ mật thiết với người dân, là “cầu nối” giữa người dân với Đảng và Nhà nước nhằm giải quyết thỏa đáng những đề xuất, kiến nghị; tạo điều kiện cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận khoa học, kỹ thuật, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình kinh tế; đặc biệt là có những quyết sách, định hướng để đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ngày càng phát triển toàn diện… 

 

Ông Đinh Đức Trungcông chức Văn phòng HĐND và UBND huyện M’Drắk:

Phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của cử tri

Đây là lần thứ hai tôi được tham gia bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Thời gian qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nghiên cứu chương trình hành động, tiểu sử của các ứng cử viên tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, khu vực bỏ phiếu, tôi nhận thấy các ứng cử viên ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp đều là những người có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức tốt và nhiệt huyết, xứng đáng với niềm tin mà nhân dân sẽ gửi gắm.

Tôi tin tưởng và hy vọng rằng, các ứng cử viên khi trúng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp sẽ tiếp tục có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của đất nước, địa phương; luôn luôn gần gũi, phản ánh kịp thời nguyện vọng chính đáng của cử tri và quan tâm đến lợi ích thiết thực của người dân; làm đúng theo chương trình hành động đã đề ra phù hợp với điều kiện thực tế để đề xuất thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật nhằm giúp người dân cải thiện đời sống tốt hơn.

 

Phạm Thị Mai Hương, công nhân Xí nghiệp chế biến và dịch vụ cao su, Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk:

Cần quyết sách nâng cao đời sống, việc làm cho người lao động

Tôi đã nắm được các thông tin liên quan đến cuộc bầu cử, nhận thức rõ quyền, nghĩa vụ của mình và sẵn sàng đi bỏ phiếu. Qua lá phiếu, tôi tin tưởng sẽ lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Là một công nhân lao động, tôi mong muốn các vị ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp trúng cử trong nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ quan tâm tìm hiểu nhiều hơn và khảo sát thực tế để đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ, nâng cao đời sống, tạo việc làm, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động cho công nhân. Bởi thực tế hiện nay, do tác động của đại dịch COVID-19, đời sống của đại bộ phận người lao động rất khó khăn, việc làm, thu nhập không ổn định. Thậm chí ở một số nơi người lao động bị mất việc làm, giãn việc, không có nguồn thu bảo đảm cuộc sống hoặc phải đối diện với nhiều nguy cơ mất an toàn. Vì vậy, tôi hy vọng các đại biểu sẽ góp tiếng nói với các cấp, ngành để xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, mở rộng quy mô các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động để công nhân được làm việc trong môi trường tốt hơn, được trang bị đầy đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân và hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ bị tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nhóm PV (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.