Multimedia Đọc Báo in

Bi kịch của một cô giáo trẻ

17:08, 22/01/2011
 Trong căn nhà rách nát tại tổ dân phố 7, thị trấn Buôn Trấp (Krông Ana), cô Nguyễn Thị Hà ,giáo viên dạy môn Sinh học, trường THPT Hùng Vương kể về cuộc đời đầy truân chuyên của mình. 
 
Sinh ra trong một gia đình nghèo, khi cô Hà đang học THCS thì mẹ mất, cha lấy vợ kế. Mặc dù không nhận được sự thương yêu, quan tâm đầy đủ của cha mẹ nhưng cô đã nỗ lực phấn đấu để thi đỗ vào Trường Đại học Tây Nguyên, học ngành Sư phạm Sinh. Là sinh viên ngành sư phạm, với một nhan sắc không đến nỗi nào, nhưng duyên phận đưa đẩy cô đến với một người chồng... không ra chồng. Trong một lần dự đám cưới của người họ hàng, cô Hà đã gặp và yêu một thanh niên cùng quê. Không lâu sau, cô lấy anh thanh niên làm chồng và lần lượt 2 đứa con đã ra đời khi cô đang ngồi trên ghế giảng đường.
 
Tình yêu đầu đời ngỡ đẹp như mơ bỗng nhanh chóng tan biến, nhường chỗ cho những lo toan cuộc sống. Đời sinh viên vốn đã thiếu thốn đủ bề thì với cô càng khổ hơn gấp bội khi phải vừa học, vừa chăm sóc 2 con trong khi người chồng không có việc làm ổn định, phải đi đóng bếp than tổ ong với thu nhập bấp bênh. Đã vậy, sau khi cưới nhau, anh chồng đâm ra đổ đốn, với lý sự “lấy vợ học đại học thì không cần phải làm nữa”, thế là suốt ngày, anh ta chỉ ở phòng trọ ăn bám vợ. Để có tiền trang trải việc học và nuôi 2 con, cô đã làm tất cả mọi việc có thể từ phụ bán quán cà phê đến thay chồng đóng bếp than tổ ong… Năm 2006, sau khi ra trường, cô may mắn được phân công về trường THPT Hùng Vương.
 
Những tưởng cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, nhưng với một người chồng suốt ngày chỉ biết lang thang, say xỉn nên đâu lại vào đó. Đã vậy, cứ mỗi lần chồng có rượu vào là cô lại nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết. Nỗi vất vả lại đè nặng lên đôi vai gầy khi cô có thêm hai đứa con cùng một lúc sau một ca sinh đôi. Một nách bốn con thơ (bé lớn nhất 8 tuổi, bé thứ hai 4 tuổi, hai bé sau 3 tuổi), với đồng lương ít ỏi của nghề giáo viên nên cuộc sống luôn rơi vào tình trạng túng quẫn.
Mẹ con cô Hà trong căn nhà rách nát của mình
Mẹ con cô Hà trong căn nhà rách nát của mình
Cô Nguyễn Thị Hà tâm sự, nỗi vất vả nào cô cũng có thể vượt qua nhưng mỗi khi đi dạy học về thấy lũ trẻ không được đến trường vì không có tiền là lòng như thắt lại. Hiện 3 đứa con đang học mẫu giáo bán trú đã phải nghỉ học vì cô Hà không thể đóng tiền ăn trưa cho chúng. Một thân cáng đáng tất cả mọi việc trong gia đình, với thu nhập của một giáo viên nên đi làm đã được 4 năm nhưng không thể có được chút tích lũy nào. Từ ngày ra trường, mẹ con cô đã phải bồng bế nhau đi ở nhờ hoặc thuê nhà. Mỗi khi chủ nhà lấy lại phòng là cô lại một lần chuyển chỗ ở và 4 năm qua, cô Hà đã có đến 17 lần chuyển chỗ như vậy. Căn nhà hiện đang ở cô mới mua được nhờ tiền vay tín chấp tại ngân hàng và những người xung quanh. Cô Hà bộc bạch, biết là vay như vậy sẽ không còn tiền trang trải cuộc sống nhưng thương các con phải nay đây mai đó nên cô đã đánh liều rồi sẽ tính tiếp. Cái “tính tiếp” của cô là sau những giờ lên lớp, ai thuê việc gì thì làm việc ấy, không nề hà khó khăn. Vậy nhưng, đến xin phụ việc ở đâu người ta cũng không nhận vì ái ngại cô là giáo viên. Gần đây, cứ chiều tối là cô lại lên TP. Buôn Ma Thuột mua trái cây về bỏ mối lại cho các tiểu thương tại chợ Buôn Trấp. Thế nhưng những nỗ lực của cô cũng không thể khỏa lấp được những thiếu hụt, bởi sau khi trừ lương vào hết các khoản vay, đến nay cả 5 mẹ con cô Hà chỉ còn lại hơn 100 ngàn mỗi tháng. Nỗi bất hạnh chưa buông tha cô Hà khi vừa qua cô được bác sĩ phát hiện đang mắc bệnh u đặc buồng trứng trái, phải phẫu thuật. Rồi mới đây sau khi kiểm tra lần thứ cô lại được phát hiện thêm bệnh u xơ đoạn eo tử cung. Bác sĩ yêu cầu nhập viện càng sớm càng tốt, nhưng không có tiền nên cô đành nén đau.
 
Thông cảm trước những khó khăn của cô Nguyễn Thị Hà, công đoàn Trường THPT Hùng Vương và những đồng nghiệp đã có nhiều hành động giúp đỡ. Cô Nguyễn Thị Lụa, Ban Chấp hành công đoàn Trường THPT Hùng Vương cho biết, gần như tất cả đồ đạc trong nhà cô Hà đều do các giáo viên trong trường đóng góp. Các đoàn viên công đoàn đã đồng ý hỗ trợ tiền ăn trưa để các con cô Hà được đến trường. Ngoài ra, Công đoàn nhà trường cũng đang đề nghị Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh trích quỹ “Mái ấm công đoàn” để làm nhà giúp cô. Tuy nhiên, mảnh đất cô Hà mua hiện không có đủ giấy tờ cần thiết để đảm bảo thủ tục nên cũng đang gặp khó khăn. 
 
Dẫu sao sự giúp đỡ của nhà trường và đồng nghiệp cũng chỉ là giải pháp tạm thời. Mong ước lớn nhất của cô Nguyễn Thị Hà là làm sao có được chút vốn để tăng gia sản xuất thì mới có thể thoát khỏi tình cảnh éo le hiện nay. 
G.N
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.