Multimedia Đọc Báo in

Mỹ tiếp tục nỗ lực chống lại Wikileaks

23:11, 09/01/2011
Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thành lập nhóm chuyên trách giúp những người bị lộ sau khi Wikileaks tung thư tín bí mật ngoại giao của nước này.
 
Xinhua dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Philip Crowley cho hay: "Chúng tôi đang nỗ lực giúp đỡ những người có thể bị ảnh hưởng tiêu cựu bởi việc tiết lộ thông tin đó".
 
Crowley tiết lộ, nhóm công tác đặc biệt này gồm từ 30 đến 60 người thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Họ đang tập trung hết sức vào những nguồn tin bị Wikileaks tiết lộ khi tung ra thư tín bí mật và đánh giá liệu những người này có bị bạo lực, bỏ tù hoặc bất kỳ mối đe dọa nào khác.
 
Crowley nói: "Trong một số trường hợp nghiêm trọng nhất, chúng tôi đã giúp họ chuyển đến nơi an toàn hơn. Chúng tôi sẽ nói rõ với các chính phủ rằng nếu vì lý do nào đó mà họ động đến những cá nhân bị nêu trong thư tín bị lộ kia, quan hệ song phương sẽ bị ảnh hưởng".
Chủ trang web Wikileaks Julian Assange. Ảnh: Internet
Chủ trang web Wikileaks Julian Assange. Ảnh: Internet
Trong khi đó, một tòa án ở bang Virginia của Mỹ đã yêu cầu trang mạng xã hội Twitter giao nộp thông tin tài khoản của những người liên quan đến WikiLeaks như một phần của cuộc điều tra hình sự về việc trang mạng này phát tán hàng trăm nghìn tài liệu và điện tín ngoại giao mật của Mỹ.
 
Theo trát đề ngày 14-12 của tòa, được công bố công khai trên tạp chí điện tử Salon.com ngày 8-1, Twitter phải cung cấp thông tin tài khoản của nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange; binh nhì Bradley Manning, chuyên viên phân tích thông tin tình báo của Lục quân Mỹ, người bị tình nghi làm rò rỉ các tài liệu của Lầu Năm góc; tin tặc người Hà Lan Rop Gonggrijp và lập trình viên người Mỹ Jacob Appelbaum, là hai chuyên viên từng làm việc cho Wikileaks và nghị sĩ Birgitta Jonsdottir của Ireland, từng làm tình nguyện viên cho WikiLeaks. 
 
Những thông tin này bao gồm tên người dùng, địa chỉ cư trú, số điện thoại, các dữ liệu kết nối, hóa đơn thanh toán, tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng của năm người này kể từ ngày 1-11-2009. 
 
Tòa án trên còn khẳng định cơ quan tố tụng Mỹ đã cung cấp bằng chứng cho thấy những thông tin được Twitter lưu trữ "có liên quan và là tư liệu cho một cuộc điều tra hình sự đang diễn ra." 
 
Trang mạng xã hội, có trụ sở ở San Francisco này có ba ngày để thực hiện yêu cầu của tòa.
 
Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Mỹ từ chối đưa ra bình luận về vấn đề trên. Tuy nhiên, trong một tuyên bố, trang mạng WikiLeaks đã phản đối yêu cầu này của tòa án, cho rằng lệnh đó là hành động "gây sách nhiễu." Trong khi đó, giới phân tích luật pháp cho rằng yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với tiến trình thực thi luật pháp cơ bản.
 
WikiLeaks là một trang mạng đóng tại Thụy Điển, chuyên đăng tải nội dung các thông tin rò rỉ từ những loại tài liệu chưa công bố nhưng vẫn giữ tính nặc danh của nguồn tin, đã ba lần tiết lộ nhiều tài liệu mật của Mỹ, gây chấn động dư luận thế giới. Wikileaks khiến chính phủ Mỹ tức giận khi tung ra hàng nghìn thư tín ngoại giao mật của Mỹ. Trang web này còn giao hơn 250.000 thư tín mật cho 5 tờ báo lớn trên thế giới.
 
G.N  (Tổng hợp) 
 

Ý kiến bạn đọc