Multimedia Đọc Báo in

Ngành giáo dục huyện Krông Ana đẩy mạnh công tác tuyển sinh năm học mới

11:00, 02/08/2011
Năm học 2011 – 2012, huyện Krông Ana sẽ đưa vào sử dụng thêm 7 phòng học mới ở cấp học Mầm non và 12 phòng học mới ở cấp Tiểu học nâng tổng số phòng học của 43 trường thuộc phòng GD&ĐT quản lý lên 539 phòng học. Trong đó có 13 trường mầm non (1 trường tư thục) với 121 phòng học, 20 trường tiểu học với 308 phòng học, 9 trường THCS với 110 phòng học. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng trên vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu dạy và học cho trên 18 nghìn học sinh các cấp. Mặc dù vậy, nhằm bảo đảm con em trong độ tuổi đi học được đến trường, đáp ứng nhu cầu học tập chính đáng của con em trong huyện, ngành giáo dục huyện Krông Ana vẫn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyển sinh với nhiều điểm mới tích cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Với mục tiêu tuyển sinh đúng quy định, công khai, công bằng, tạo thuận lợi cho học sinh và cha mẹ học sinh, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và THCS và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, ngành giáo dục huyện đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyển sinh. Ngay khi năm học 2010-2011 kết thúc, công tác tuyển sinh đã được thực hiện bằng cách lồng ghép với kế hoạch chuyển giao chất lượng giữa các cấp học. Cụ thể, đối với cấp học Mầm non, ngành giáo dục chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn điều tra số trẻ trong độ tuổi để xây dựng kế hoạch tuyển sinh cho từng trường. Bàn giao hồ sơ của trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non cho các trường tiểu học trên địa bàn và có trách nhiệm thông báo cho cha mẹ của những trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non đồng thời vận động trẻ trên 5 tuổi chưa hoàn thành chương trình mầm non ra lớp để  hoàn thành chương trình trước khi vào lớp 1. Đối với cấp tiểu học, các trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ cấp học Mầm non trên địa bàn đồng thời chuyển giao hồ sơ của những học sinh đã hoàn thành bậc học Tiểu học cho cấp học trên và thông báo cụ thể đến gia đình học sinh. Phương án tuyển sinh trên cũng được áp dụng cho bậc học THCS. Khi xây dựng kế hoạch tuyển sinh, các trường phải căn cứ vào điều kiện cơ sở, vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện. Sau khi đã nhận đủ số học sinh trên địa bàn, nếu điều kiện cho phép, các trường có thể tiếp nhận học sinh trái tuyến. Tuy nhiên các trường phải công khai các tiêu chuẩn của học sinh khi tiếp nhận và có thể xem đây là một biện pháp thu hút học sinh giỏi từ các địa bàn khác về học tập tại trường. Với cách làm này, công tác tuyển sinh được thực hiện nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, công sức của các trường cũng như của cha mẹ học sinh, bảo đảm sự công bằng cho tất cả học sinh trên địa bàn. Hơn thế, đã tạo nên một phong trào thi đua nhằm nâng cao chất lượng giữa các trường trên địa bàn và giảm áp lực tuyển sinh đối với các trường trọng điểm, hạn chế tối đa những tiêu cực phát sinh trong quá trình tuyển sinh. Đây là một cách làm sáng tạo của ngành giáo dục huyện Krông Ana, phù hợp với đặc thù tại địa bàn, nhận được sự đồng tình của giáo viên và phụ huynh học sinh.

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.