Multimedia Đọc Báo in

Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" lan ra nhiều nước trên thế giới

22:34, 15/10/2011
Phong trào biểu tình Occupy Wall Street (Chiếm lấy phố Wall) bắt đầu từ ngày 17-9 tại Mỹ, khi một số người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York đến nay đã lan rộng tới nhiều nước trên thế giới.

Hầu hết những người biểu tình đều hưởng ứng thông điệp của phong trào "Chiếm lấy phố Wall" khi họ nhận thấy khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng do những chính sách kinh tế có lợi cho các tập đoàn.
Những người biểu tình hô khẩu hiệu trước lực lượng cảnh sát New York
Những người biểu tình hô khẩu hiệu trước lực lượng cảnh sát New York. Ảnh: AP
 Tại Anh, những người biểu tình đã tụ tập trước cửa trung tâm chứng khoán ở London giơ cao những biểu ngữ ghi "Chúng ta thuộc 99%" ý muốn nói 99% người lao động phải làm việc để phục vụ cho 1% số người giàu nhất trên thế giới.

Ước tính khoảng 6 nghìn người đã biểu tình bên ngoài trụ sở Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt (Đức). Những người biểu tình cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay "thật đáng kinh sợ" và các ngân hàng đầu tư phải tự mình gánh chịu những thua lỗ do họ gây ra.

Hàng chục nghìn người đã biểu tình ở Rome (Italia) nhằm phản đối cuộc khủng hoảng tài chính. Nhiều người đã đập vỡ cửa sổ các ngân hàng và cửa hiệu, đồng thời đốt cháy hai xe ôtô. Ước tính, khoảng 200 nghìn người đã tham gia cuộc biểu tình. Khoảng 1.500 cảnh sát đã được triển khai trên các đường phố để bảo đảm an ninh.

Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, những người biểu tình thống nhất chọn ngày 15-10 để đồng loạt cùng nhau tuần hành. Những người biểu tình sẽ tới khu Puerta del Sol, biểu tượng tinh thần của các cuộc biểu tình hồi tháng 6. Họ dự định cùng nhau ở lại đây suốt đêm.
Những người biểu tình với mặt nạ tại Hàn Quốc
Những người biểu tình với mặt nạ tại Hàn Quốc. Ảnh: Reuters
Tại Seoul (Hàn Quốc), những người biểu tình đã tập trung trước cửa Cục Cố vấn tài chính để bày tỏ sự ủng hộ đối với thông điệp của phong trào "Chiếm lấy phố Wall." Những người biểu tình thúc giục chính phủ ban hành những chính sách hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi các thể chế tài chính lớn, và bãi bỏ những quy định có lợi cho tầng lớp giàu có trong xã hội.

Hàng trăm người đã đổ ra đường phố Tokyo (Nhật Bản) bày tỏ ủng hộ các cuộc biểu tình ở Mỹ, đồng thời lên án các ngân hàng phá hoại nền kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo.
Biểu tình tại Tokyo
Biểu tình tại Tokyo. Ảnh: Reuters
Tại Sydney (Australia), khoảng 2 nghìn người tập trung bên ngoài Ngân hàng trung ương phản đối các tập đoàn kinh tế lớn và sự bất công về thu nhập. Những người tổ chức biểu tình cho biết họ có kế hoạch biểu tình vô thời hạn tại địa điểm này.

Cũng tại Australia, hàng nghìn người đã đổ xuống đường phố Melbourne. Alex Gard, một trong những người tổ chức cuộc biểu tình tại Melbourne cho biết, cuộc biểu tình của họ là để hiển thị tình đoàn kết với phong trào "Chiếm lấy phố Wall", đồng thời cũng phản đối những vấn đề khác nhau của đất nước họ.
Người biểu tình tại Australia. Ảnh: Reuters
Người biểu tình tại Australia. Ảnh: Reuters
Tại Jakarta (Indonesia) người dân cũng đi ra ngoài đường phố và tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ.

Phong trào "Chiếm lấy phố Wall" được phát động nhằm phản đối tình trạng bất công trong hệ thống tài chính Mỹ và những khó khăn mà người Mỹ đang trải qua. Họ thể hiện sự tức giận trước nền kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh nghiệp tham lam". Sau đó phong trào này nhanh chóng lan rộng ra nhiều thành phố khác của nước Mỹ, trong đó có thủ đô Washington, sau khi nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức công đoàn và chính trị.

Giang Nam
(Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.