Multimedia Đọc Báo in

Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh: Những bài học thấm vào lòng người

17:18, 31/01/2013
Trong ba ngày (31-1 đến 2-2), Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tham dự hội thi có 44 cán bộ, giáo viên đến từ các trường Tiểu học tại 15 huyện, thị, thành phố và Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh. Đây là những thí sinh đã đạt thành tích cao được lựa chọn từ các hội thi cấp huyện. 
 
Các thí sinh đã tranh tài ở 3 phần thi: Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tìm hiểu về Bác và thi năng khiếu. Ở phần thi kể chuyện, bằng lối kể truyền cảm, hấp dẫn kết hợp với trình chiếu hình ảnh tư liệu minh họa, âm nhạc hoặc hát múa hỗ trợ, các thầy, cô giáo đã mang đến những câu chuyện thật ý nghĩa, lôi cuốn người xem; qua đó thể hiện trọn vẹn tấm gương trọn đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của Bác, cuộc đời trong sáng, nếp sống giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, sự nhân ái, vị tha, khoan dung của Người. 
 
Cô giáo Nguyễn Kim Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Cư Kuin) với câu chuyện
Cô giáo Nguyễn Kim Huệ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Cư Kuin) với câu chuyện "Tấm gương cần kiệm của Bác Hồ".

Qua mỗi câu chuyện, các thí sinh đều nêu bật được ý nghĩa muốn truyền tải đến người nghe, đồng thời có sự liên hệ với bản thân, đơn vị mình trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Với câu chuyện “Tình yêu của Bác Hồ đối với các khúc hát dân ca”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thủy (Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng, huyện Krông Pak) đã thể hiện thật cảm động tình yêu của vị lãnh tụ đối với những khúc dân ca bởi đó cũng chính là tình yêu tha thiết đối với Tổ quốc. Cô Lê Thị Thương Thương (huyện Ea Súp) lại đề cập đến một bài học của Bác đã dạy cán bộ mà vẫn còn “nóng” cho đến tận hôm nay: “Chữ quan liêu viết thế nào”. Với giọng kể hấp dẫn và màn múa phụ họa đẹp mắt, bài học về “Tấm gương cần kiệm của Bác Hồ” qua phần dự thi của cô Nguyễn Kim Huệ, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (huyện Cư Kuin) thật dễ đi vào lòng người. “O Thanh ra Hà Nội gặp Bác Hồ” là một câu chuyện cảm động thể hiện sự hy sinh cao cả của Bác cho sự nghiệp giải phóng dân tộc được cô Phạm Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TX.Buôn Hồ) mang đến hội thi với mong muốn mỗi cán bộ, giáo viên sẽ học tập Bác, thể hiện tốt hơn nữa trách nhiệm của mình trong công tác trồng người. Qua câu chuyện “Những phút cuối đời của Bác”, thí sinh Hoàng Thị Ngát, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh, cũng thể hiện quyết tâm làm tốt hơn nữa trách nhiệm của một giáo viên chuyên biệt, tìm ra phương pháp dạy tốt nhất, phù hợp nhất để giúp học sinh khuyết tật sớm hòa nhập cộng đồng, tự tin trong cuộc sống. 

Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pak) kể câu chuyện
Thí sinh Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (huyện Krông Pak) kể câu chuyện "Tình yêu Bác Hồ đối với các khúc dân ca"

Điều đáng ghi nhận là không chỉ hưởng ứng việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh bằng những hoạt động bề nổi, nhiều giáo viên và các đơn vị trường học đã làm theo gương Bác bằng những hoạt động thiết thực. “Giản dị và tiết kiệm” - câu chuyện kể  mà cô giáo Trần Thị Kiều Trang đã được tập thể giáo viên và học sinh Trường Tiểu học La Văn Cầu (huyện Krông Buk) làm theo như: giáo viên và học sinh sử dụng diện tích đất trống để tăng gia sản xuất, sử dụng điện ở các phòng học một cách tiết kiệm, in ấn tài liệu trên giấy hai mặt, học sinh hưởng ứng tích cực phong trào “Kế hoạch nhỏ”.  Câu chuyện “Bác Hồ đến với các cháu thiếu nhi ở trại Kim Đồng” qua giọng kể truyền cảm, cô giáo trẻ Hoàng Thanh Nga cũng đã thể hiện quyết tâm của tập thể Trường Tiểu học Krông Ana trong việc xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” và “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

Hội thi Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một hoạt động thật thiết thực và ý nghĩa nhằm kỷ niệm 83 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và hướng tới kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động này, bằng những câu chuyện, tình huống cụ thể thấm nhuần các lời dạy của Bác đã góp phần tuyên truyền sâu rộng trong tập thể cán bộ, giáo viên nhằm hưởng ứng học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trong thực tế cuộc sống và công việc. 
 
Hải Như
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.