Multimedia Đọc Báo in

Kiểm tra phương tiện vận chuyển cà phê ra khỏi tỉnh để chống thất thu thuế gặp nhiều khó khăn

07:45, 03/08/2013

Thời gian qua, ngành cà phê Dak Lak nổi lên tình trạng trốn thuế trong kinh doanh cà phê với việc một số cá nhân, doanh nghiệp bằng thủ đoạn mua cao, bán lại với giá thấp nhưng vẫn có lãi  lớn. Trước tình trạng này, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang có nhiều biện pháp để ngăn chặn như việc tiến hành kiểm tra lại các doanh nghiệp mới thành lập thu mua cà phê trên địa bàn; thông báo đến các địa phương đề nghị tạm thời không hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các hóa đơn của các doanh nghiệp khai man địa chỉ, bỏ trốn khỏi địa bàn.

Đặc biệt, từ đầu năm 2013, tỉnh cũng thành lập tạm thời hai chốt kiểm tra liên ngành trên các quốc lộ 14 và 26 để ngăn chặn tình trạng xuất cà phê nhân ra khỏi tỉnh nhưng không có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Lực lượng tham gia kiểm tra các phương tiện vận chuyển cà phê, nông sản ra khỏi tỉnh gồm các ngành: Thuế, Công an, Công Thương. Thực hiện chương trình này, tính đến hết tháng 7-2013, lực lượng kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 3.208 phương tiện, chủ yếu là xe tải, lập biên bản xử lý 55 xe vi phạm do không có hóa đơn chứng từ hợp lệ hàng hóa ra khỏi tỉnh và đã xử phạt 462.232.000 đồng tiền thuế.

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, lực lượng kiểm tra cho biết là gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, mặt bằng quốc lộ 14 và 26 hẹp nên khi các phương tiện vận tải bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra, gây ra tình trạng ùn tắc, khiến người tham gia giao thông phản ứng; các phương tiện hoạt động về ban đêm rất khó phát hiện. Thêm nữa, lực lượng chức năng chủ yếu dựa vào cảm quan, kinh nghiệm và yêu cầu các phương tiện vận tải dừng lại cho kiểm tra nên rất khó phát hiện, xử lý triệt để cũng như dễ để lọt đối tượng.

Thuần Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.