Lại thêm dấu hỏi về tính chuyên nghiệp tại V-League
Vừa qua, câu lạc bộ XT. Sài Gòn đã ra thông cáo chính thức về việc câu lạc bộ này rút khỏi giải bóng đá vô địch quốc gia V-League năm 2013. Đây có thể xem là vụ "lùm xùm" mới nhất trong giải đấu cao nhất của bóng đá Việt Nam và thêm một lần nữa "tính chuyên nghiệp" của "giải đấu chuyên nghiệp" lại được đặt ra.
Theo thông cáo báo chí do Chủ tịch câu lạc bộ XT. Sài Gòn, ông Nguyễn Xuân Thủy ký đã khẳng định: “XT. Sài Gòn không đồng tình với quyết định kỷ luật của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF). Nếu VFF kết luận câu lạc bộ XT. Sài Gòn tiêu cực thì phải chỉ rõ cá nhân cầu thủ hoặc nhóm cầu thủ nào tiêu cực, thật minh bạch, rõ ràng, không thể vì một tin nhắn mà hủy hết công sức thi đấu của câu lạc bộ cả mùa giải. Chúng tôi thấy việc làm của VFF là không công tâm, thiếu công khai minh bạch, không vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, khiến ban huấn luyện và cầu thủ cảm thấy thất vọng và hụt hẫng và…đội bóng phải dừng thi đấu bóng đá tại giải V-League năm 2013”.
XT. Sài Gòn (trái) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong vài ngày qua |
Đây rõ ràng là quyết định gây nhiều xáo trộn cho giải đấu này. Mọi chuyện bắt đầu từ một tin nhắn nặc danh trước trận đấu giữa XT. Sài Gòn gặp K. Kiên Giang. Nội dung tin nhắn “Trận này XT. Sài Gòn sẽ thua với tổng số bàn thắng chung cuộc là 4 bàn” đã được gửi đến các thành viên Ban tư vấn đạo đức. Quả thực tỷ số của trận đấu này hoàn toàn khớp với tin nhắn trên. Do đó chiều ngày 18-8, trưởng Ban kỷ luật Nguyễn Hải Hường đã chính thức ký quyết định trừ 4 điểm với XT. Sài Gòn với lý do vi phạm trách nhiệm của câu lạc bộ khi tham gia giải đấu được quy định tại khoản 1 điều 37 Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF.
Xét một cách khách quan, cả XT. Sài Gòn lẫn VFF đều có “cái lý” của mình khi một bên cần chứng cứ, một bên cứ áp dụng theo quy chế. Tuy nhiên, cách hành xử của cả hai bên trong trường hợp này đều thiếu tính chuyên nghiệp một cách trầm trọng. Vấn đề ở chỗ “đòi bỏ giải” không phải đến trường hợp của XT. Sài Gòn mới có. Trước đây câu lạc bộ Thanh Hóa cũng đã nhiều lần “dọa” bỏ giải để phản ứng với cách hành xử của VFF. Rồi đến trước khi XT. Sài Gòn tuyên bố bỏ giải thì Kiên Giang cũng đã tuyên bố sẽ cân nhắc không tham dự 2 vòng cuối để phản đối công tác trọng tài… Nếu điều đó xảy ra theo quy chế, toàn bộ kết quả các trận đấu liên quan đến đội bóng đó sẽ bị hủy, vì thế toàn bộ kết quả của giải đấu sẽ có nhiều xáo trộn… Đó là chưa kể đến phản ứng dây chuyền cực kỳ tai hại là hễ không hài lòng điều gì đó, người ta lại…“bỏ giải”.
Đây là kịch bản xấu nhất mà nền bóng đá Việt Nam nói chung, những người hâm mộ quả bóng tròn nói riêng không hề mong muốn. Thế nhưng cũng phải nói rằng, để xảy ra kết cục như ngày hôm nay là hệ quả của một quá trình làm bóng đá hết sức hời hợt của những người có trách nhiệm. Trách nhiệm trước hết thuộc về VFF. Trong suốt một thời gian dài mang tên “bóng đá chuyên nghiệp”, nhưng VFF vẫn chưa thể tạo lập cho mình một cái “guồng” hoạt động trơn tru. Mỗi khi cần có những phán quyết mang tính quyết định thì VFF lại rất lúng túng, khiến cho các câu lạc bộ không “tâm phục khẩu phục”. Từ đó thì uy tín của tổ chức này vốn đã thấp lại càng thấp hơn trong mắt những “ông bầu” dẫn đến các ông bầu dường như “bất phục” trong mọi vấn đề mà VFF đưa ra.
Trách nhiệm tiếp theo thuộc về các ông bầu. Việc đến với bóng đá quá dễ dàng và quá nhiều mục đích ngoài bóng đá khiến những “ông chủ” của các đội bóng luôn tự xem mình là “cứu cánh” cho cả nền bóng đá. Đến dễ thì đi cũng dễ, bởi vậy họ có thể bỏ giải mà không hề có chút băn khoăn nào. Thậm chí tên tuổi, thương hiệu các doanh nghiệp của họ còn được nhắc đến liên tục từ những vụ lùm xùm như thế này.
Tóm lại, để nền bóng đã Việt Nam đi lên, những người làm bóng đá từ VFF đến những "ông bầu" cần ngồi lại với nhau, đặt ra tất cả những tình huống có thể xảy ra và đi đến thống nhất trong cách xử lý. Tốt nhất là đừng để "cái sảy nảy cái ung", dẫn đến những hệ lụy khó giải quyết như hiện nay.
G.N
(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc