Multimedia Đọc Báo in

Xuất khẩu cà phê niên vụ 2012-2013 giảm cả lượng và kim ngạch

16:50, 17/10/2013

Niên vụ cà phê 2012-2013, Dak Lak xuất khẩu được hơn 224 ngàn tấn cà phê nhân, giảm gần 25%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 463 triệu USD, giảm hơn 25% so với niên vụ trước.

Phơi cà phê nhân tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi
Phơi cà phê thóc (cà phê nhân chế biến ướt) tại Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi

Nhìn chung, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê niên vụ 2012-2013 gặp khá nhiều khó khăn, nhất là việc thu mua xuất khẩu. Bên cạnh những tác động bất lợi từ khó khăn của kinh tế trong nước và thế giới thì việc kiểm tra hoạt động kinh doanh cà phê nội địa còn yếu, DN “ma” tổ chức “mua cao bán thấp”, cạnh tranh không lành mạnh ngày một diễn biến phức tạp, trên diện rộng đã gây lũng đoạn thị trường, khiến hoạt động của các DN xuất khẩu chân chính bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không mua được cà phê trên địa bàn mà phải mua từ các địa phương không có sản xuất cà phê. Trong niên vụ 2012-2013, cà phê của tỉnh Dak Lak đã xuất khẩu đến 58 quốc gia và vùng lãnh thổ, giảm 4 thị trường so với niên vụ trước. Có 31 thị trường đạt kim ngạch trên 1 triệu USD trở lên, trong đó, có 13 thị trường đạt kim ngạch trên 10 triệu USD. Đức vẫn dẫn đầu về nhập khẩu cà phê của Dak Lak nhưng đã sụt giảm gần 40% về lượng và hơn 38% về kim ngạch so với niên vụ trước; tiếp đó là Nhật Bản giảm xấp xỉ 18% về lượng và 17% về kim ngạch. Một số thị trường có sự tăng trưởng mạnh là: Trung Quốc tăng gần 83% về lượng và hơn 79% về kim ngạch; Pháp tăng xấp xỉ 62% về lượng và 60% về kim ngạch… Niên vụ 2012-2013, giá thu mua cà phê nhân xô bình quân trên địa bàn tỉnh khoảng 39.945 đồng/kg, giảm nhẹ so với niên vụ 2011-2012; giá xuất khẩu cà phê Robusta trên thị trường London bình quân là 1.939 USD/tấn, giảm gần 3% so với giá bình quân niên vụ 2011-2012.
Để nâng cao chất lượng, giá trị cà phê, tỉnh Dak Lak kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương xem xét chính sách về thuế VAT đối với các sản phẩm nông sản, trong đó có cà phê nhằm hạn chế tình trạng trục lợi, chiếm dụng thuế VAT và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác hoàn thuế VAT đối với các DN xuất khẩu cà phê; giảm lãi suất, tăng nguồn vốn tín dụng và thời hạn vay cho xuất khẩu cà phê; hỗ trợ Dak Lak đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột” trên thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường EU; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tham dự các hội chợ ngành hàng cà phê tìm kiếm cơ hội hợp tác, xuất khẩu trực tiếp cho sản phẩm cà phê của Dak Lak.

Lê Ngọc


Ý kiến bạn đọc