Multimedia Đọc Báo in

Tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên tại xã Hòa Lễ (Krông Bông)

09:14, 09/09/2011

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn số 2545/BNN-TCLN gửi UBND tỉnh về việc tạm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên tại xã Hòa Lễ (Krông Bông). Theo quy định của Quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ thì việc khai thác gỗ từ rừng tự nhiên nằm trong kế hoạch khai thác gỗ hằng năm của địa phương nhưng UBND huyện Krông Bông chưa được UBND tỉnh giao kế hoạch khai thác năm 2011 theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngoài ra, về trình tự thủ tục lập hồ sơ khai thác gỗ và cấp giấy phép khai thác gỗ tại các nhóm hộ của xã Hòa Lễ không đúng theo quy định tại Thông tư số 87/2009/TT-BNNPTNT ngày 31-12-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hướng dẫn thiết kế khai thác chọn gỗ rừng tự nhiên…

Để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Krông Bông xem xét thu hồi Giấy phép số 271/GPKT ngày 9-4-2011 cấp phép khai thác gỗ rừng tự nhiên cho "cộng đồng các nhóm hộ" xã Hòa Lễ; tạm dừng khai thác gỗ đồng thời tiến hành kiểm tra thống kê khối lượng gỗ đã chặt hạ báo cáo UBND tỉnh.

Bộ cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Krông Bông kiểm tra đánh giá hiệu quả công tác bảo vệ rừng sau khi giao đất, giao rừng cho các nhóm hộ thuộc xã Hòa Lễ trong thời gian qua; chủ trương cho phép khai thác gỗ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Krông Bông phải kiểm điểm trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, cấp giấy phép khai thác gỗ cho các nhóm hộ xã Hòa lễ không đúng theo quy định của pháp luật.

T.C

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.