Thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn Thủy tùng
11:15, 07/09/2012
Ngày 6-9, tại trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Ea H’leo, Sở NN&PTNT đã công bố quyết định thành lập Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước (còn gọi Thủy tùng).
Ban quản lý Khu bảo tồn ra mắt tại lễ công bố thành lập |
Tại buổi lễ, lãnh đạo Sở NN&PTNT đã công bố Quyết định số 760 QĐ/UBND của UBND tỉnh về việc thành lập Ban Quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước. Đây là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở NN&PTNT. Ban quản lý có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động; Trụ sở Ban quản lý được đặt tại thôn Trấp Ksơ, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng. Ông Trần Xuân Phước - viên chức Ban quản lý rừng lịch sử, văn hóa, môi trường Hồ Lak được bổ nhiệm giữ chức vụ giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn
Lãnh đạo Sở NN&PTNT trao Quyết định thành lập Khu bảo tồn cho ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn |
Sau khi thành lập, Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước có nhiệm vụ, quyền hạn: quản lý, giám sát và bảo tồn lâu dài loài và sinh cảnh quần thể thông nước trên địa bàn tỉnh để duy trì và hướng đến phát triển quần thể này bền vững, phục vụ nghiên cứu khoa học và đời sống; bảo tồn, duy trì môi trường sống tự nhiên, nhân tạo của thông nước và các loài cây hỗ trợ; tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học, dịch vụ nghiên cứu khoa học; liên kết, liên doanh với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thực hiện các hoạt động dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác; hợp tác quốc tế về nghiên cứu và bảo tồn loài sinh cảnh thông nước theo quy định của pháp luật.
Thủy tùng đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng do bị kẻ xấu tìm mọi cách đốn hạ. Ảnh: gỗ thủy tùng khai thác trái phép bị Hạt kiểm lâm huyện Ea H'leo bắt giữ |
Thông nước hay Thủy tùng (tên khoa học là Glyptostrobus pensilis) là loài đặc hữu được xếp vào diện bảo vệ nghiêm ngặt. Được biết, trên thế giới hiện có ba khu vực còn sự tồn tại của loài cây này là Trung Quốc, Lào và Việt Nam.
Quần thể thủy tùng còn sót lại tại xã Ea Ral (Ea Hleo) được bảo vệ nghiêm ngặt |
Tại Việt Nam, theo ghi nhận chỉ còn tỉnh Dak Lak tồn tại 2 quần thể thủy tùng là hồ Ea Ral (Ea H’leo) và rừng đặc dụng Trấp Ksơr (Krông Năng), số lượng chưa đến 200 cây.
L.V
Ý kiến bạn đọc