Multimedia Đọc Báo in

Thẩm tra Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu một số dịch vụ y tế:

Đề nghị giảm mức giá đối với 435 dịch vụ kỹ thuật từ 78,26% xuống còn 75%

14:37, 22/11/2012

Sáng 22-11, Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh) đã tổ chức cuộc họp thẩm tra tờ trình và dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trực thuộc tỉnh. Tham dự Hội nghị có đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh; Trưởng ban và các thành viên Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh; lãnh đạo Sở Y tế, Bảo hiểm Xã hội tỉnh.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã được nghe giới thiệu về Đề án Quy định mức thu một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trực thuộc tỉnh. Nhằm từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh, Đề án quy định mức thu bình quân các dịch vụ y tế trên địa bàn tỉnh là 68,6% so với khung giá tối đa được quy định tại Thông tư số 04 ngày 29-2-2012 của Liên bộ Y tế-Tài chính ban hành. Cụ thể, giá đề xuất thực hiện đối với 435 dịch vụ kỹ thuật có trong danh mục của Thông tư 04 là 76%; với 833 dịch vụ kỹ thuật chưa có trong danh mục cụ thể tại Thông tư 04 là 64%; giữ nguyên mức giá đang áp dụng đối với một số dịch vụ bổ sung theo quy định tại Thông tư 03 ngày 26-1-2006 của Liên bộ Y tế Tài chính – Lao động-Thương binh và Xã hội; đồng thời đề xuất mức giá 68% đối với 158 dịch vụ kỹ thuật còn lại.

Toàn cảnh cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp.

Qua thẩm tra Tờ trình, Đề án, dự thảo Nghị quyết về Quy định mức thu một số dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập trực thuộc tỉnh, Ban Văn hóa- Xã hội, HĐND tỉnh cho rằng, Dak Lak vẫn là một tỉnh khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 15% dân số, cao hơn mức trung bình chung của cả nước, do đó nếu tăng viện phí quá cao sẽ không phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội của tỉnh, gây khó khăn cho người dân, đặc biệt là những người thuộc hộ cận nghèo.  Mặc dù dự kiến mức tăng bình quân giá dịch vụ y tế mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh tại Kỳ họp thứ 5 bằng 69,79% mức giá trần tại Thông tư 04 là thấp nhất so với các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên và là mức tăng trung bình so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, nhưng hầu hết các mức giá được xây dựng cao so với mức đang áp dụng. Trong đó, đáng lưu ý là các loại dịch vụ sử dụng nhiều, phổ biến như khám bệnh, ngày giường điều trị, các dịch vụ xét nghiệm cận lâm sàng thông thường được đề xuất mức giá bằng 78,26% so với mức giá trần quy định tại Thông tư 04. Vì thế, mức giá cần được tính toán để bảo đảm hài hòa lợi ích của các cơ sở khám chữa bệnh công lập và người bệnh. Ngoài ra, việc nhiều dịch vụ áp dụng mức giá cao so với hiện nay sẽ ảnh hưởng đến cả đời sống vật chất và tâm lý của bệnh nhân.

Phó Giám đốc Sở y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bùi Trường Phong giải thích thêm về một số vấn đề của Đề án các đại biểu quan tâm
Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bùi Trường Phong giải đáp một số ý kiến các đại biểu nêu tại cuộc họp. 

Qua phân tích, tập hợp ý kiến của các thành viên, Ban Văn hóa – Xã hội đề nghị HĐND tỉnh nghiên cứu, xem xét việc giảm mức giá đối với 435 dịch vụ kỹ thuật trong danh mục của Thông tư 04 từ 78,26% xuống còn 75%; quy định cụ thể trong Nghị quyết việc các cơ sở y tế công lập phải dành ít nhất 15% từ tổng số tiền khám bệnh và ngày giường điều trị để sửa chữa, nâng cấp, cải tạo, mua sắm trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh cho người dân. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh trong quá trình triển khai Nghị quyết chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn thực hiện công khai niêm yết bảng giá các dịch vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt tại nơi dễ quan sát trong bệnh viện cho người dân được biết; không tổ chức thu thêm của người bệnh bất kỳ khoản chi phí nào đã được cơ cấu trong khung giá dịch vụ, ngoại trừ các khoản chi phí được phép thu thêm…

Kim Oanh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.