Cô đỡ thôn bản được công nhận là một chức danh ngành Y
Sáng 23-4 Bộ Y tế và Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam phối hợp triển khai Thông tư số 07/2013/TT-BYT ngày 8-3-2013 của Bộ Y tế về quy định tiêu chuẩn, chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản, gồm cả cô đỡ thôn bản.
Cô đỡ thôn bản kiểm tra sức khỏe cho phụ nữ mang thai tại nhà. Ảnh: TL |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, Thông tư số 07 ra đời sẽ chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam. Điều này giúp động viên, ổn định đội ngũ cô đỡ thôn bản đã được đào tạo tham gia các hoạt động cung cấp các dịch vụ theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; đặc biệt là công tác quản lý, chăm sóc thai sản của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở các vùng sâu, vùng xa, vùng tồn tại phong tục đẻ tại nhà, góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.
Tại Việt Nam, giai đoạn 10 năm trước, tử vong ở mẹ khu vực miền núi còn rất cao. Theo điều tra của Bộ Y tế năm 2002 cho thấy, tỷ lệ tử vong mẹ nói chung của cả nước là 165/100.000, tuy nhiên tỷ lệ này ở phía Bắc là 411/100.000 và miền núi trung du là 269/100.000, cao gấp nhiều lần so với vùng đồng bằng. Việc đẻ tại nhà, đặc biệt đẻ không được cán bộ y tế đỡ, là một nguyên nhân quan trọng khiến tử vong mẹ ở các vùng dân tộc, miền núi, vùng sâu vùng xa còn cao. Từ năm 1979, sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản của Bệnh viện Từ Dũ do GS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng làm Giám đốc, đã được bắt tay triển khai. Từ năm 1998 đến nay, đã có khoảng 1.300 cô đỡ thôn bản được đào tạo. Hiện tại có khoảng 80% số này đang làm việc và có những đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc bà mẹ và trẻ em, giảm tai biến sản khoa. Tuy nhiên, lâu nay các cô đỡ này chưa có một chức danh chính thức trong ngành Y tế; không được phân công, giám sát hỗ trợ; không được sinh hoạt chuyên môn. Do chưa được chính thức đưa vào hoạt động trong hệ thống y tế, chưa có chức danh và chưa có nguồn phụ cấp chính thức nên nhiều cô đỡ đã bỏ nghề.
K.O (nguồn VOV)
Ý kiến bạn đọc