Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững

08:39, 18/03/2014

Mặc dù trong năm 2013, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi trong các lĩnh vực lao động việc làm, công tác đền ơn đáp nghĩa, chính sách người có công, bảo trợ xã hội… Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác đảm bảo an sinh xã hội vẫn còn nhiều nỗi lo, nhất là vấn đề giảm nghèo. Phó Giám đốc Sở LĐTBXH NGUYỄN VĂN ĐÀN đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak xung quanh vấn đề này.

1
Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Nguyễn Văn Đàn

* Tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác bảo đảm an sinh xã hội, nhưng chỉ tiêu giảm nghèo trong năm qua chưa đạt kế hoạch đề ra. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân chủ yếu?

Vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, trong đó có công tác giảm nghèo luôn được Đảng bộ, chính quyền các cấp và các ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, kết quả thực hiện giảm nghèo năm 2013 chưa đạt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo chung của tỉnh chỉ giảm 2,41% (từ 14,67% xuống còn 12,26%), trong khi kế hoạch là 3%; tỷ lệ hộ cận nghèo tăng 0,84% (từ 6,99% lên 7,83%). Theo tôi, có nhiều nguyên nhân nhưng tập trung vào 3 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, do tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, thêm vào đó, trong năm qua đã xảy ra hạn hán nặng tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, một số huyện lại bị ngập lụt và có dịch bệnh ở gia súc, gia cầm nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất, đời sống và thu nhập của người dân, nhất là hộ nghèo. Thứ hai là nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo còn hạn chế, chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn lồng ghép. Nguồn thu ngân sách của tỉnh và các địa phương đạt thấp nên nguồn vốn địa phương dành cho công tác giảm nghèo còn ít. Và thứ ba là tỷ lệ hộ nghèo càng về cuối của giai đoạn càng khó giảm và giảm thấp hơn những năm trước vì đa phần đều là những hộ rất khó thoát nghèo như: hộ có người bị tàn tật, già neo đơn, thiếu lao động, thiếu phương tiện sản xuất…

* Để có thể giảm nghèo bền vững, ngoài việc ưu tiên nguồn lực cho các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, cần tăng độ bao phủ và tính phù hợp của cơ chế, chính sách, dự án giảm nghèo tới các đối tượng, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành rất nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo. Tôi nhẩm tính hiện nay chúng ta đang thực hiện 14 chính sách về giảm nghèo và các chính sách khác có liên quan như: vay vốn, khuyến nông - khuyến lâm, y tế, giáo dục, dạy nghề…. Nhờ vậy, phạm vi và đối tượng thụ hưởng ngày càng được mở rộng và tăng nhanh, mức hỗ trợ cũng được điều chỉnh từng bước phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, tuy các chính sách giảm nghèo được ban hành rất nhiều nhưng chưa đầy đủ, toàn diện. Một số chính sách giảm nghèo còn tồn tại những bất hợp lý như: đối tượng hỗ trợ có tính dàn trải và đồng đều giữa các địa bàn, mức hỗ trợ thấp, đa phần mang tính hỗ trợ về an sinh xã hội. Các chính sách hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo và các chính sách giảm nghèo đặc thù, phù hợp với vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn ít. Bên cạnh đó, các chương trình, chính sách được ban hành thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều ngành khác nhau nhưng lại chưa có sự phối hợp triển khai thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng nên chưa phát huy tối đa hiệu quả. Do vậy, để các chính sách, dự án giảm nghèo thực sự hiệu quả thì cần có cả 3 yếu tố: nguồn lực, huy động sự tham gia của xã hội và công tác chỉ đạo thực hiện.

2
Chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn giúp người nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập

* Bên cạnh việc thực thi các chính sách, giải pháp giảm nghèo thì có cần trao quyền và tăng cường sự tham gia của chính hộ nghèo trong công tác giảm nghèo không, thưa ông?

Trong thời gian qua, các chính sách giảm nghèo đã được triển khai đầy đủ, công khai đến mọi người dân, đặc biệt là hộ nghèo. Các địa phương cũng đã tạo điều kiện cho người dân tham gia vào một số chính sách, dự án giảm nghèo. Tuy nhiên, mức độ tham gia còn hạn chế nên tỷ lệ giảm nghèo thấp và nguy cơ tái nghèo cao. Theo tôi, để có thể giảm nghèo bền vững, bên canh việc đầu tư nguồn lực thì rất cần sự tham gia của chính người nghèo. Do đó, việc khuyến khích người nghèo bày tỏ tiếng nói, trao quyền để họ tự tìm ra cách thức giảm nghèo, lôi cuốn sự tham gia của người nghèo vào quá trình lập kế hoạch và giám sát thực hiện là những yếu tố quyết định.

* Chương trình mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 5,82%. Vậy ông có kiến nghị, đề xuất gì để thực hiện đạt mục tiêu trên?

Theo tôi, về mặt cơ chế, chính sách, cần giảm bớt sự hỗ trợ trực tiếp theo kiểu cho “con cá” mà nên tạo cho họ “chiếc cần câu”, nghĩa là tạo sinh kế nhằm khuyến khích nghị lực vươn lên của hộ nghèo. Các chính sách giảm nghèo cần tập trung vào những địa bàn trọng điểm và những đối tượng cần ưu tiên. Bên cạnh đó, nên có cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư nguồn lực vào các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vấn đề vốn, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm và ưu tiên tạo việc làm cho lao động nông thôn. Đồng thời, quan tâm bố trí kinh phí cho chương trình giảm nghèo theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, trong đó cần tăng nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Công tác giảm nghèo không là trách nhiệm của riêng ai, do vậy, tôi mong muốn các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền địa phương và mỗi người dân cùng cộng đồng trách nhiệm trong triển khai, thực hiện, giám sát, đánh giá... có như vậy công tác giảm nghèo mới thực sự bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


 


Ý kiến bạn đọc