Multimedia Đọc Báo in

Cấp bách triển khai các biện pháp quản lý bảo vệ rừng hiệu quả

17:26, 11/04/2014

Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh tại buổi làm việc của Thường trực Tỉnh ủy với lãnh đạo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan vào sáng 11-4 về công tác quản lý, bảo vệ rừng, triển khai các dự án liên quan đến đất rừng và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Niê Thuật
Đồng chí Niê Thuật, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp giao cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 178/2001/QĐ-TTg và Quyết định 304/2005/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 36.000 ha; giai đoạn 2008-2013 toàn tỉnh trồng mới 30.434 ha rừng. Về công tác lập lại trật tự kinh doanh lâm sản, UBND tỉnh đã giao các địa phương kiểm tra, rà soát và đình chỉ hoạt động các xưởng cưa, cơ sở mộc hoạt động gần rừng nhưng không đủ điều kiện hoạt động theo quy định thì kiên quyết di dời vào các khu cụm công nghiệp, điểm quy hoạch; thành lập các đoàn kiểm tra, mở các đợt truy quét lâm tặc, những điểm nóng về phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác mua bán lâm sản trái phép. Tính từ năm 2008-2013, đã phát hiện xử lý trên 10.000 vụ vi phạm lâm luật, thu và xử lý nộp ngân sách nhà nước hơn 100 tỷ đồng... 

Tuy nhiên, công tác QLBVPTR trên địa bàn tỉnh còn nhiều tồn tại: nhiều diện tích rừng vẫn tiếp tục bị phá, lấn chiếm trái phép; rừng giao khoán cho cộng đồng, hộ gia đình chưa được quản lý bảo vệ hiệu quả; tình trạng lấn chiếm, tranh chấp, mua bán, sang nhượng đất trái phép vùng dự án xảy ra phức tạp; việc lập và triển khai các phương án thu hồi diện tích rừng bị phá, lấn chiếm trái phép để phục hồi lại rừng chậm; hoạt động của các công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi vẫn ì ạch, chưa có sự đổi mới nên dẫn đến mất rừng, lãng phí tài nguyên đất…

Tại cuộc họp, các công ty lâm nghiệp cũng nêu những khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong những năm qua như: áp lực dân di cư tự do tăng, trong khi lực lượng kiểm tra mỏng nên hệ thống quản lý bảo vệ rừng của các doanh nghiệp gần như bị vô hiệu hóa trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh của các đối tượng lâm tặc…

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Niê Thuật, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp trong lãnh đạo điều hành, tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng hiệu quả; quy định rõ trách nhiệm của chủ rừng trên diện tích rừng được giao quản lý, xử lý nghiêm đối với chủ rừng thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để rừng bị xâm hại; giải quyết dứt điểm phương tiện độ chế chuyên chở, khai thác lâm sản trái phép, xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu xúi giục, lôi kéo người dân địa phương vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời tình trạng phá rừng vùng dự án, giám sát chặt chẽ các dự án để bảo đảm mục tiêu, tiến độ theo quy hoạch; sắp xếp lại mạng lưới chế biến lâm sản theo hướng gắn với vùng nguyên liệu; đẩy mạnh phong trào trồng rừng và giao khoán rừng cho cộng đồng và người dân.

 Lê Hương


Ý kiến bạn đọc