Hội nghị trao đổi kinh nghiệm Ban Pháp chế HĐND các cấp trong tỉnh lần thứ IV năm 2014
Sáng 31-10, tại huyện Krông Ana, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tổ chức Hội nghị trao đổi kinh nghiệm Ban Pháp chế HĐND các cấp trong tỉnh lần thứ IV năm 2014. Ông Phạm Hát, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh chủ trì Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị |
Theo đánh giá tại Hội nghị, thời gian qua, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã hoàn thành tốt chương trình công tác, nhiệm vụ chuyên môn do Thường trực HĐND tỉnh phân công và những hoạt động theo luật định; tích cực phối hợp với Văn phòng các Ban của HĐND tỉnh trong hoạt động thẩm tra các văn bản phục vụ kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh. Đồng thời chủ động tổ chức các hoạt động giám sát, tiếp tục cải tiến phương thức giám sát theo hướng dành nhiều thời gian để nghiên cứu hồ sơ, mở rộng thành phần đoàn giám sát thông qua việc mời các đơn vị, cá nhân có chuyên môn sâu ngoài các thành viên của Ban cùng tham gia, tư vấn cho đoàn nên chất lượng giám sát được nâng lên.
Đại diện Ban Pháp chế HĐND huyện Ea Súp tham gia đóng góp ý kiến |
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động của Ban Pháp chế HĐND các cấp như: Phương thức giám sát còn mang tính đơn thuần nên hiệu quả chưa cao; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kết luận giám sát chưa được thường xuyên, quyết liệt; các thành viên của Ban Pháp chế chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, chưa chuyên sâu các lĩnh vực, ngành phụ trách nên hiệu quả giám sát chưa cao… Qua đó các đại biểu cũng tham gia đóng góp trao đổi những cách làm hay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ như: kinh nghiệm để nâng cao năng lực hoạt động của Ban Pháp chế; công tác giám sát các đơn vị, địa phương và khắc phục những tồn tại, thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát; vai trò điều phối của Thường trực HĐND đối với Ban Pháp chế trong công tác giám sát, thẩm tra các văn bản trình tại kỳ họp HĐND cấp huyện; hoạt động giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND cấp xã…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Hát cho rằng: Sau giám sát đòi hỏi các kiến nghị của Ban Pháp chế phải trọng tâm, phù hợp, xuất phát từ bức xúc mà cử tri quan tâm và yêu cầu của thực tiễn; cần có thêm nhiều kênh thông tin để theo dõi việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát; đồng thời chủ động báo cáo, đề nghị với các cấp ủy Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với các đơn vị, địa phương. Duy trì chế độ hội ý định kỳ giữa Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban và chuyên viên, qua đó kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm hoạt động của Ban trong tháng, quý và đề ra chương trình công tác tiếp theo…
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc