Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa ban hành Chương trình số 08-CTr/TU ngày 6-12-2016 nhằm thực hiện Kết luận số 06-KL/TW ngày 1-9-2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư khóa IX, về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong giai đoạn 2006 – 2016, toàn tỉnh đã triển khai mới 4 dự án nông thôn miền núi, 15 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh, 19 nội dung ứng dụng và chuyển giao công nghệ cấp huyện, trong đó tập trung chủ yếu cho ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp chiếm trên 90%. Chương trình công nghệ sinh học tập trung cho lai tạo, chọn lọc, nhân giống cây trồng vật nuôi cũng như nghiên cứu ứng dụng các chế phẩm sinh học phục vụ cho nông lâm nghiệp, môi trường, y tế.
Mô hình ủ phân hữu cơ vi sinh của nông dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh minh họa |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 12 dây chuyền công nghệ sản xuất phân hữu cơ vi sinh để sản xuất phân bón phục vụ cho nông nghiệp với sản lượng 70 đến 80 ngàn tấn/năm, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng và nâng cao tính bền vững về môi trường trong sản xuất nông nghiệp. Một số men đang được thử nghiệm cho các quá trình lên men ủ trong chế biến cà phê, ca cao. Trong lâm nghiệp, giống bạch đàn, keo lai nhân từ mô phân sinh kết hợp với giâm hom cũng đã được đưa vào trồng rừng kinh tế…
Trong thời gian tới, Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành cần tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, người đứng đầu các cấp, các ngành có liên quan trực tiếp chỉ đạo công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý thuận lợi theo cơ chế thị trường để khuyến khích phát triển công nghệ, công nghiệp sinh học, hỗ trợ hiệu quả vận hành thị trường công nghệ sinh học, đặc biệt chú trọng phát huy vai trò chủ lực của doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ đối với các dự án nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm về công nghệ sinh học.
Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải theo cơ chế thị trường. Đầu tư phát triển công nghiệp sinh học là một nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội, là giải pháp quan trọng để phát triển một nền kinh tế xanh, bền vững. Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ngoài ra, cần tập trung đầu tư phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; tạo các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, có khả năng chống chịu tốt với biến đổi khí hậu...
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc