Multimedia Đọc Báo in

Tổ chức Lễ hội bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả

22:17, 24/02/2017

Chiều 24-2, Ban tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 tổ chức cuộc họp nhằm rà soát tiến độ triển khai các nội dung, chương trình của Lễ hội, đồng thời xem xét, xử lý các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội chủ trì cuộc họp.

Đồng chí
Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội phát biểu kết luận tại cuộc họp

Theo báo cáo tại cuộc họp, đến nay các nội dung và chương trình của Lễ hội đang được các đơn vị liên quan tích cực triển khai thực hiện, bảo đảm tiến độ đề ra. Về Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê, đã có 184 doanh nghiệp đăng ký tham gia với 734 gian hàng, trong đó 81 doanh nghiệp trong tỉnh với 151 gian hàng, 91 doanh nghiệp ngoài tỉnh với 525 gian hàng và 12 doanh nghiệp nước ngoài với 58 gian hàng. Chương trình khai mạc và bế mạc Lễ hội, Đêm hội diễn tấu Cồng chiêng Tây Nguyên đã hoàn chỉnh kịch bản và gửi cho các đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện. Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên đã có 65 nghệ nhân đăng ký tham gia. Triển lãm ảnh nghệ thuật Cà phê Buôn Ma Thuột và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã nhận được 495 tác phẩm của 71 tác gia dự thi và hoàn tất việc chấm ảnh ngày 24-2. Lễ hội đường phố đã triển khai các nội dung, chương trình đến các đơn vị, doanh nghiệp liên quan, trong đó bổ sung thêm đội cầm quốc kỳ của 17 nước tham gia lễ hội và tiết mục xiếc “Sức mạnh đại ngàn”, dự kiến tổng duyệt vào 15 giờ ngày 9-3; Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ bổ sung thêm hội thảo chuyên đề "Phát triển nông nghiệp Tây Nguyên góc nhìn từ nông dân tỷ phú"...

Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu ý kiến
Đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phát biểu ý kiến

Công tác truyền thông được chủ động triển khai sớm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến nay, Trang thông tin điện tử Lễ hội Cà phê của tỉnh đã có trên 510.000 lượt truy cập, kết nối với 24/63 trang thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố; Báo Đắk Lắk đã đăng tải trên 60 tin, bài, 100 hình ảnh và 3 clip tuyên truyền về lễ hội; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phát sóng gần 50 tin, bài bằng 3 thứ tiếng: phổ thông, Êđê, M’Nông tuyên truyền về Lễ hội; Cổng thông tin điện tử tỉnh cập nhật tất cả các văn bản chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức lễ hội; đăng tải 67 tin, bài, 100 hình ảnh, 1 clip tuyên truyền…

Đại diện sở, ngành tham gia ý kiến tại cuộc họp
Đại diện sở, ngành tham gia ý kiến tại cuộc họp

Công tác vận động tài trợ đang được tiểu ban phụ trách tích cực triển khai, đến nay đã có 33 đơn vị đăng ký tài trợ cho Lễ hội. Công tác lễ tân, khánh tiết và hậu cần đã được chuẩn bị chu đáo, đến nay có 29 đoàn với 134 khách mời quốc tế xác nhận tham dự, đã gửi thư mời cho 170 cơ quan, đơn vị tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên; bố trí nơi lưu trú, phương tiện đưa đón, phục vụ khách mời tham gia các hoạt động của Lễ hội.

Sau khi nghe các báo cáo, kiến nghị, đề xuất của các tiểu ban, sở, ngành liên quan, đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Lễ hội đã kết luận một số vấn đề trọng tâm: Tiểu ban tuyên truyền phát huy hơn nữa vai trò của đại sứ truyền thông Lễ hội Phùng Bảo Ngọc Vân trong công tác tuyên truyền, quảng bá cho Lễ hội; chuẩn bị chu đáo nội dung họp báo ngày 6-3 tại TP. Buôn Ma Thuột, mở rộng thành phần mời lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và đài truyền thanh truyền hình 15 huyện, thị xã, thành phố; trưởng các tiểu ban chịu trách nhiệm nắm bắt những vấn đề phát sinh và chủ động xử lý theo đúng thẩm quyền; rà soát, kiểm tra các cơ sở lưu trú, chỉnh trang đô thị; cung cấp đường dây nóng cho người dân, du khách; bảo đảm công tác hậu cần, an ninh trong suốt quá trình diễn ra Lễ hội... Liên quan đến vấn đề bắn pháo hoa tại Lễ hội, giao Ban tổ chức Lễ hội xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí đặc biệt lưu ý, mặc dù công tác vận động tài trợ được tỉnh chú trọng triển khai thực hiện bảo đảm xã hội hóa 70% nguồn kinh phí, nhưng việc tổ chức phải tiết kiệm, hiệu quả.

Lê Hương

 

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.