Multimedia Đọc Báo in

Cần cảnh giác trước việc thương lái nước ngoài thu mua hồ tiêu

14:04, 24/09/2017

Sở Công thương vừa đưa ra thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp (DN) có hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh về việc giao dịch mua bán mặt hàng hồ tiêu với thương lái nước ngoài.

Theo đó, Sở này cho biết, thời gian gần đây, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh có hiện tượng thương lái Trung Quốc đang điều khiển, “làm giá” thị trường hồ tiêu Việt Nam. Một trong những chiêu thức của thương lái nước này là thu mua lượng lớn hạt tiêu của Việt Nam, sau đó, tìm đến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu mặt hàng này đặt mua với bất cứ mức giá nào và yêu cầu ký hợp đồng ngay, đồng thời hối thúc DN khẩn trương thực hiện các điều kiện trong hợp đồng mua bán nhưng lại trì hoãn chuyển tiền đặt cọc với nhiều lý do khác nhau. Trong khi các DN trong nước vì áp lực hợp đồng phải gấp rút thu gom hồ tiêu từ các đại lý để kịp giao hàng đúng thời hạn thì thương lái Trung Quốc lại tung lượng hạt tiêu đã gom trước đó bán với giá cao và thu lợi nhuận chênh lệch. Khi các DN xuất khẩu đã gom đủ hàng thì không thể liên lạc được với thương lái khiến cả DN và đại lý chịu hậu quả nặng nề.

Hồ tiêu đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân ở xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar)

Nhằm tránh rủi ro trong hoạt động kinh doanh của các DN trên địa bàn, đơn vị này đề nghị các DN cần thận trọng và đề cao cảnh giác với các hiện tượng mua bán bất thường từ bạn hàng Trung Quốc. Khi phát hiện có hiện tượng “làm giá” từ phía bạn hàng cần liên hệ chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời có biện pháp xử lý. Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tỉnh theo dõi sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh mặt hàng này trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời.



Đỗ Lan
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.