Hội thảo lịch sử xã 9 – Tư Cung trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Sáng ngày 19-12, Thị ủy Buôn Hồ tổ chức hội thảo lịch sử xã 9 - Tư Cung trong kháng chiến chống Mỹ (nay là xã Cư Bao - thị xã Buôn Hồ) và trận chiến đấu chốt điểm Buôn Tring năm 1973 của Tiểu đoàn 301. Tham dự có các vị lão thành từng chiến đấu và hoạt động qua các thời kỳ tại địa phương, đại diện lãnh đạo sở, ban ngành của tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã.
Tư Cung là đơn vị hành chính được thành lập năm 1959 theo chính sách di dân lập dinh điền của chính quyền Ngô Đình Diệm. Dân cư tại dinh điền Tư Cung ngày ấy nguyên là người dân của hai huyện Đại Lộc, Quế Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Năm 1965 lực lượng ta tấn công địch, giải phóng dinh điền Tư Cung. Ngày 1-10-1965, huyện H4, tỉnh Đắk Lắk được thành lập, dinh điền Tư Cung được đổi tên thành xã 9 - Tư Cung (một trong 10 xã của H4 ngày ấy).
Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk phát biểu tại
buổi hội thảo.
|
Trải qua các giai đoạn lịch sử, nhân dân xã 9 - Tư Cung đã đóng góp to lớn cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc như: cung cấp muối gạo, gia súc, gia cầm, nhu yếu phẩm cho lực lượng cách mạng; 100% gia đình ở xã 9 - Tư Cung đều có người tham gia cách mạng, có 55 đồng chí đã hy sinh và nhiều người chưa tìm được hài cốt. Quân và dân xã 9 - Tư Cung đã phối hợp chiến đấu trên 30 trận đánh; cùng với bộ đội chủ lực diệt gần 50 tên địch, thu 9 xe, 42 khẩu súng các loại và nhiều vũ khí khác. Sau ngày đất nước giải phóng, xã 9 - tư Cung được đổi tên thành xã Cư Bao thuộc huyện Krông Buk (nay là thị xã Buôn Hồ). Phát huy truyền thống Cách mạng, nhân dân xã Cư Bao ra sức thi đua lao động, sản xuất, xây dựng địa phương ngày một phát triển.
Nhân chứng lịch sử tham gia ý kiến về thành tích quân và dân xã 9 - Tư Cung |
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được thông tin về trận chiến đấu chốt điểm Buôn Tring năm 1973 của Tiểu đoàn 301. Đây là một trận đánh quan trọng, điển hình của lực lượng vũ trang của tỉnh trong 29 ngày đêm, góp phần tạo một bước chuyển biến căn bản trên chiến trường Tây Nguyên nói riêng và chiến trường miền Nam nói chung; tạo đà cho quân ta tiến lên trong những năm 1974 - 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các đại biểu đã tiếp tục bổ sung và cung cấp thêm nhiều tư liệu có giá trị, góp phần tô đậm thêm truyền thống lịch sử vẻ vang của xã 9 - Tư Cung (nay là xã Cư Bao) trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trận chiến đấu ở chốt điểm Buôn Tring năm 1973 của Tiểu đoàn 301. Đây sẽ là những cơ sở quan trọng để chính quyền địa phương hoàn thiện hồ sơ, tư liệu đề nghị cấp trên công nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến cho xã 9 - Tư Cung và công nhận di tích lịch sử đối với Đài tưởng niệm Buôn Tring.
Thái Huyên – Lê Hương
Ý kiến bạn đọc