Cả nước có hơn 19 triệu gia đình văn hóa
Sáng 21-9, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2000-2018.
Cùng tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trần Vĩnh Cảnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Qua 18 năm thực hiện phong trào, đã có nhiều mô hình tiêu biểu, cách làm hiệu quả được phổ biến, nghiên cứu, học tập, nhân rộng. Đến nay, cả nước đã có trên 1,2 triệu gương người tốt, việc tốt; hơn 19 triệu gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”; trên 69.000 đơn vị được công nhận làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa; 84.785 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Nhiều cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nước và Chính phủ khen thưởng, động viên kịp thời…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện phong trào vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức về mục đích, ý nghĩa xây dựng phong trào của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa sâu sắc, chưa toàn diện; công tác phối hợp giữa các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo một số địa phương chưa chặt chẽ, thường xuyên; kinh phí bố trí cho các hoạt động của phong trào còn chưa đáp ứng nhu cầu đề ra…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương và ghi nhận những kết quả của phong trào đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân đã đóng góp để xây dựng và phát triển phong trào. Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào, Thủ tướng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa đi vào thực chất, có chiều sâu, trọng điểm, gắn liền với thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp cần xây dựng kế hoạch phối hợp, đổi mới nội dung theo hướng bám sát các trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, ý nghĩa của phong trào; nhân rộng các mô hình, cá nhân tiên tiến, tiêu biểu, gương người tốt - việc tốt trong thực hiện phong trào; thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng việc bình xét các danh hiệu văn hóa; cấp ủy, chính quyền các cấp dành nguồn lực và thời gian hơn nữa để hỗ trợ, chỉ đạo cho các hoạt động của phong trào…
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc