Đắk Lắk sẵn sàng phương án ứng phó với cơn bão số 9
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, 14 giờ ngày 22-11, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 9 năm 2018. Hiện bão đang áp sát các tỉnh Nam Trung bộ, dự báo trong 24 - 48 giờ tiếp theo, bão sẽ đi vào đất liền Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, bão số 9 càng gần bờ càng di chuyển chậm và càng vào bờ thì gió bão càng mạnh hơn, nguy hiểm hơn. Trên các sông Quảng Trị đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 2 đến trên báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh, dự báo từ ngày 24 đến 26-11, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ có mưa diện rộng, có nơi mưa rất to và dông. Đặc biệt, các huyện M’Đrắk, Krông Bông, Krông Pắc, Ea Kar, Ea H’leo, Krông Năng đề phòng gió giật mạnh trong cơn dông, sạt lở vùng ven sông, ngập úng vùng trũng thấp.
Trước tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố, rà soát, sẵn sàng phương án ứng phó với bão, lũ, mưa lớn; chủ động phương án sơ tán dân vùng trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; có phương án bảo đảm an toàn cho người dân và tài sản. Triển khai lực lượng các tổ đội xung kích phòng chống thiên tai tại xã, thôn, buôn với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt; chủ động rà soát khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng mưa, lũ để kịp thời ứng phó có hiệu quả ngay từ đầu; kiểm tra các vị trí có thể xảy ra thiên tai nguy hiểm kịp thời cảnh báo đến người dân trong vùng; tổ chức phương án bảo đảm giao thông an toàn trong vùng lũ, ngập lụt. Tổ chức trực ban phòng chống thiên tai nghiêm túc; theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến thời tiết; triển khai ứng phó thiên tai kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện báo cáo tình hình thiên tai tại địa phương theo quy định
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Ea Kar đi kiểm tra thực tế trong cơn bão số 12 năm 2017 (ảnh minh họa) |
Đối với Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, các chủ quản lý công trình thủy lợi, thủy điện: Tăng cường công tác quản lý tổ chức điều tiết phù hợp thực hiện đúng quy trình vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình, dân cư và tài sản vùng hạ du công trình; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý để phục vụ sản xuất, phòng chống hạn trong mùa khô. Tổ chức trực ban 24/24 giờ tại các công trình trong thời gian có mưa lũ, đặc biệt đối với các công trình xung yếu, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó khi công trình xảy ra sự cố nguy hiểm.
Sở NN-PTNT có trách nhiệm hướng dẫn các địa phương khuyến cáo nhân dân thực hiện các giải pháp bảo vệ sản xuất; các đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chuẩn bị phương án, lực lượng, phương tiện sẵn sàng triển khai công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thiên tai xảy ra…
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các huyện phía Nam và phía Đông tỉnh cũng đã có văn bản yêu cầu các xã chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai. Tại huyện M’Đrắk, UBND huyện đã tiến hành họp các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện để triển khai các phương án ứng phó, đồng thời tổ chức Đoàn kiểm tra xuống các xã nắm bắt tình hình và phương án ứng phó mưa, bão, ngập lụt của các xã nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân…
Phòng NN-PTNT huyện Ea Kar cũng cho biết, huyện đã triển khai các phương án phòng chống thiên tai như tuyên truyền cho người dân, cộng đồng dân cư được biết cơn bão số 9 sẽ ảnh hưởng đến địa phương mình; tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi, các điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất, vùng có khả năng ngập lụt… Thực hiện các giải pháp ứng phó đồng bộ bảo đảm hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, huy động lực lượng sẵn sàng ứng phó, cứu nạn đối với những địa phương có nguy cơ cao về lũ quét theo dọc sông Krông Năng, vùng ngập lụt dọc sông Krông Pách, vùng nguy cơ sạt lở đất như Cư Prông, Cư Jang…
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc