Multimedia Đọc Báo in

Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018

16:49, 24/11/2018
Tối 23-11, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức Lễ tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2018.
 
Tham dự Lễ tưởng niệm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng; Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đỗ Quang Trà; thành viên Ban ATGT tỉnh, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành hữu quan; đại diện các gia đình có người thân bị tử vong do TNGT cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.  
 
Đông đảo đại biểu và đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh tham dự buổi lễ.
Các đại biểu, đoàn viên thanh niên và người dân trên địa bàn tỉnh tham dự buổi lễ.

Tại buổi lễ, Ban ATGT tỉnh cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước đã xảy ra 13.242 vụ TNGT, làm chết 6.012 người, làm bị thương 10.319 người; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 1.120 vụ, 113 người chết và 1.467 người bị thương. Tại tỉnh Đắk Lắk, 11 tháng của năm 2018 đã xảy ra 350 vụ TNGT, làm chết 218 người, làm bị thương 291 người; so với cùng kỳ năm 2017, giảm 93 vụ, 23 người chết và 108 người bị thương. 

1
Các đại biểu thắp nến tưởng nhớ các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.
 
Phát biểu tại buổi Lễ tưởng niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho rằng, TNGT đã và đang trở thành một hiểm họa, gây ra những tổn thất to lớn về cả vật chất lẫn tinh thần đối với gia đình nạn nhân và toàn xã hội; kìm hãm sự phát triển của cộng đồng. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt cùng với sự đồng lòng của người dân, TNGT của nước ta liên tục giảm cả về số vụ, số người chết và người bị thương. Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT vẫn còn diễn biến phức tạp, TNGT vẫn còn ở mức cao. Trung bình mỗi ngày trên cả nước có khoảng 22 người đi ra đường rồi vĩnh viễn không trở về nhà, khoảng 38 người bị thương và 60 gia đình chịu tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT gây ra...  
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng đề nghị các sở, ban, ngành, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của toàn dân trong việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT; cảnh báo về các nguyên nhân và nguy cơ gây ra TNGT để nhân dân phòng tránh; nâng cao tinh thần trách nhiệm của các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT... Bên cạnh đó, cần thường xuyên quan tâm chăm lo, hỗ trợ các nạn nhân và gia đình nạn nhân tử vong vì TNGT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
 
1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi Lễ tưởng niệm. 
 
Được biết, vào ngày 27-10-2005, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thống nhất chọn ngày chủ nhật tuần thứ 3 của tháng 11 hằng năm là "Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do TNGT". Với thông điệp: "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại" và mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, lễ tưởng niệm năm nay là dịp để mọi người bày tỏ niềm thương tiếc, chia sẻ đau thương, mất mát đối với những gia đình có người tử vong vì TNGT; đồng thời nhắc nhở mọi người, cộng đồng hãy làm tất cả bằng những hành động cụ thể để xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho chính mình và người khác.
 
1
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang GryNiê Knơng (bìa trái) và Giám đốc Sở Giao thông vận tải - Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh Đỗ Quang Trà (bìa phải) trao quà hỗ trợ cho đại diện các gia đình có người thân tử vong vì tai nạn giao thông.
 
Nhân dịp này, Ban ATGT tỉnh đã trao 20 suất quà (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng); Ban ATGT TP. Buôn Ma Thuột trao 13 suất quà (4 suất quà trị giá 5 triệu đồng và 9 suất quà trị giá 4 triệu đồng) để hỗ trợ các gia đình là người nhà của các nạn nhân đã tử vong do TNGT trên địa bàn tỉnh có hoàn cảnh khó khăn.
 
Thế Hùng
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.