Multimedia Đọc Báo in

Gần 26 triệu đồng hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

23:06, 20/06/2019

Ngày 20-6, phóng viên Báo Dân trí tại Đắk Lắk đã đến Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Buôn Đôn) để trao tận tay số tiền 25.970.000 đồng do bạn đọc và mạnh thường quân trong cả nước gửi tặng em Hà Thế Châu (15 tuổi, học sinh lớp 11 của trường).

Được biết, Châu là con thứ 2 trong gia đình có hai anh em, trú tại thôn 9, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn); gia đình thuộc diện hộ nghèo, bố mẹ em đều làm nông. Đến năm 2015, bố em đột ngột qua đời do bệnh hiểm nghèo, đất đai không có, trong khi người anh là Hà Khang Minh (20 tuổi) bị động kinh từ lúc mới sinh, sống vô thức, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ của em. 

1
Đại diện Báo Dân trí (bìa trái) và Trường THPT Trần Đại Nghĩa trao tặng số tiền hỗ trợ cho em Hà Thế Châu.

Riêng bản thân Châu có hai bàn tay rất ngắn, các ngón tay chỉ có 2 đốt nên không thể làm công việc nặng phụ gia đình được. Cô Lê Thị Phin (mẹ Châu) hiện không thể đi làm để nuôi sống gia đình phần vì sức khỏe ngày càng yếu, phần vì người con trai đầu bị bệnh không thể tự lo cho bản thân mà lúc nào cũng phải có mẹ túc trực giúp ăn uống, vệ sinh...

1
Em Hà Thế Châu (bên phải) và anh trai Hà Khang Minh.
 
Có mặt tại buổi trao tiền hỗ trợ, thầy giáo Nguyễn Công Triều - Phó Hiệu trưởng nhà trường gửi lời cám ơn đến mọi người đã quan tâm, giúp đỡ học sinh nghèo của trường, đồng thời cho biết, thời gian qua, nhà trường cũng đã vận động học sinh, giáo viên toàn trường, đồng thời kêu gọi sự chung tay, giúp sức của các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện quyên góp, ủng hộ em Hà Thế Châu cả về vật chất lẫn tinh thần, nhưng những sự giúp đỡ còn hạn hữu. Chặng đường phía trước của Châu còn nhiều gian nan và trắc trở, hy vọng em sẽ tiếp tục nhận được những tấm lòng thơm thảo để  vượt qua khó khăn, tiếp tục học tập .
 
Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.