Multimedia Đọc Báo in

Phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng của Nhà nước

15:06, 25/07/2019

Sáng 25-7, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138), Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà, cùng đại diện Ban Chỉ đạo 138 và 389 của tỉnh.

c
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến (Ảnh chụp qua màn hình tivi)

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 25.617 vụ phạm pháp hình sự (giảm 0,99% so với cùng kỳ năm 2018); phát hiện 89 vụ phạm pháp về mua bán người, liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân (giảm 10,1% số vụ, tăng 12,7% số đối tượng và giảm 28,4% số nạn nhân so với cùng kỳ năm ngoái); tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng đa dạng về hành vi, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xâm phạm quyền lợi của tổ chức, cá nhân…

Đến hết tháng 6-2019, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương đã kiểm tra, khám phá 21.071 vụ phạm pháp hình sự, bắt 45.570 đối tượng; triệt phá 1.392 băng nhóm tội phạm các loại. Phát hiện, đấu tranh 9.948 vụ phạm tội về kinh tế; 168 vụ phạm tội về tham nhũng; 1.139 vụ buôn lậu; phát hiện 13.932 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về môi trường; khởi tố 179 vụ, 324 bị can. Lực lượng chức năng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đã điều tra, khám phá 67 vụ (đạt 75,3%), bắt 112 đối tượng (đạt 78,9%) mua bán người; đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 137 nạn nhân bị mua bán trở về…

Công tác đấu tranh chống buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả đã được BCĐ 389 các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước chỉ đạo quyết liệt hơn, chú trọng tập trung thực hiện, phát huy hiệu quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội. Nhiều vụ vận chuyển, buôn lậu hàng cấm, sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng đã bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Đặc biệt là hàng hóa giả mạo xuất xứ, nhãn mác “Made in Việt Nam” và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 85.892 vụ việc vi phạm về buôn lâu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018), thu nộp ngân sách nhà nước trên 6.160 tỷ đồng; khởi tố 1.311 vụ, với 1.546 đối tượng…

c
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và các đại biểu tại điểm cầu Đắk Lắk

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu, thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai có hiệu quả những quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài về tội phạm, gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác.

Cần làm tốt công tác nắm và dự báo tình hình, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự. Tổ chức phòng chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại ngay trong chính lực lượng chức năng của Nhà nước; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ thoái hóa, biến chất, tiếp tay cho tội phạm và sa ngã, vi phạm pháp luật. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về pháp luật, tác hại, hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật; kết quả đấu tranh của các lực lượng chức năng trong công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.